Bếp sạch cho châu Phi

Hiện nay, khoảng một tỷ người dân châu Phi vẫn đang sử dụng các loại nhiên liệu thô sơ như củi, than, phân khô và rác thải nông nghiệp để nấu ăn.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), khoảng 80% số gia đình tại châu Phi vẫn dựa vào những phương thức nấu nướng truyền thống, vốn không chỉ làm tổn hại môi trường mà còn cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm.

Ước tính, mỗi năm có khoảng 815.000 ca tử vong sớm trên khắp lục địa đen xuất phát từ ô nhiễm không khí trong nhà, chủ yếu do các phương pháp nấu ăn không an toàn. Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

 Sử dụng củi, than và các loại nhiên liệu thô sơ để nấu ăn, một thực trạng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ảnh: tribuneonlineng.com

Sử dụng củi, than và các loại nhiên liệu thô sơ để nấu ăn, một thực trạng gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ảnh: tribuneonlineng.com

IEA cho rằng châu Phi hoàn toàn có thể thoát khỏi tình trạng này với chi phí không quá lớn. Theo Giám đốc Điều hành IEA, ông Fatih Birol, nếu đầu tư khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, chưa tới 1% tổng đầu tư vào năng lượng toàn cầu hiện nay, toàn bộ lục địa có thể tiếp cận phương pháp nấu ăn sạch vào năm 2040. Các giải pháp khả thi gồm sử dụng năng lượng mặt trời hoặc khí đốt hóa lỏng (LPG). Dù LPG không phải là giải pháp tối ưu về môi trường, song đây là bước đi trung gian cần thiết và cấp thiết hơn nhiều so với việc tiếp tục phá rừng lấy củi.

IEA khuyến nghị các chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tài chính để người dân có thể tiếp cận bếp và nhiên liệu sạch, đồng thời kêu gọi khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi này.

Nếu được triển khai đầy đủ, sáng kiến nấu ăn sạch không chỉ giúp ngăn chặn các ca tử vong sớm do ô nhiễm trong vòng 15 năm tới, mà còn giúp giảm khoảng 540 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, tương đương với toàn bộ lượng phát thải của ngành hàng không toàn cầu. Đây là cơ hội hiếm có để cùng lúc giải quyết 3 thách thức lớn: y tế, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu, chỉ bằng một hành động tưởng như rất nhỏ: thay đổi cách nấu ăn.

Châu Phi đang đứng trước một lựa chọn mang tính bước ngoặt: tiếp tục chịu đựng cái giá quá đắt của phương thức nấu ăn lỗi thời, hay đầu tư để chuyển mình. Bếp sạch, nếu được triển khai đúng cách, có thể là khởi đầu cho một lục địa xanh, khỏe mạnh và công bằng hơn.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bep-sach-cho-chau-phi-post804541.html