Bi kịch một gia đình đến từ rượu, bia và bạo lực

Phiên tòa xét xử bị cáo Dương Văn Dũng (32 tuổi, ngụ xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) diễn ra vào sáng 22-4 tại TAND tỉnh khác hẳn với mọi ngày xét xử khác. Thay vì các cửa sổ đều mở rộng, nay lại đóng chặt kín, chỉ chừa lại cánh cửa chính để mọi người ra vào.

Bị cáo Dương Văn Dũng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Tố Tâm

Bị cáo Dương Văn Dũng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Tố Tâm

Khi được hỏi, chúng tôi mới biết do bị cáo có tâm lý không bình thường nên phải đóng kín cửa tránh những nguy hiểm sẽ xảy ra.

* Nhát dao oan nghiệt

Bị cáo Dũng là con ruột của ông Dương Văn Thà (64 tuổi, ngụ xã Xuân Thiện). Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, vào ngày 21-6-2021, 2 cha con bị cáo ngồi uống rượu tại phòng bếp trong nhà thì giữa ông Thà và vợ là bà T.T.H. cãi nhau. Do bực tức chuyện cha chửi mẹ nên Dũng đã đi xuống kệ bếp lấy con dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người cha khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó, Dũng vào tắm rửa rồi đến cơ quan công an đầu thú.

Đứng trước bục khai, bị cáo đặt đôi tay run rẩy chống lên mặt bàn, đôi mắt đỏ hoe, đôi khi tỏ vẻ rất khó chịu khi nghe vị chủ tọa hỏi. Chốc chốc, bị cáo quay người về hàng ghế phía sau nhìn mẹ với khuôn mặt lo sợ.

Tại phiên tòa, bị cáo khai thường xuyên uống rượu, đánh đập vợ con. Nguyên nhân do khoảng vài năm trở lại đây, trong đầu bị cáo luôn có một tiếng nói thôi thúc phải giết những người xung quanh. Sau khi uống nhiều bia, rượu, bị cáo khó kiểm soát được hành vi. Bị cáo liên tục bao biện cho hành vi của mình là do thường hoang tưởng và khai bản thân bị bỏ bùa nên đầu óc không tỉnh táo mới ra tay sát hại cha ruột.

Trong khi Hội đồng xét xử đang xét hỏi thì bị cáo liên tục lớn giọng lặp lại câu nói: “Xin đừng hỏi gì bị cáo nữa, hãy tử hình bị cáo đi là xong”.

* Nạn nhân của rượu, bia và bạo lực

Ở hành lang phía ngoài phòng xét xử, vợ và 2 con gái nhỏ của bị cáo vẫn ngồi chờ vì trẻ em không được tham dự phiên tòa. Từ ngày cha bị bắt, đây là lần đầu tiên 2 bé mới có thể nhìn thấy cha của mình.

Chị K. (vợ bị cáo Dũng) kể lại, hơn 10 năm trước, chị từ tỉnh Đắk Lắk đến Đồng Nai làm công nhân. Sau đó, chị quen Dũng, rồi kết thành vợ chồng. Thời gian đầu, bị cáo Dũng hết mực yêu thương vợ nhưng càng về lâu dài lại ghen tuông vô cớ rồi mượn rượu đánh đập vợ. Chỉ vì không chịu được đòn roi, bạo lực gia đình nên chị K. lên TP.Biên Hòa ở trọ làm công nhân rồi gửi tiền về nuôi con. Đến năm 2020, chị K. nghe tin chồng giết cha rồi bị bắt nên chị quay về nhà và làm thuê để kiếm tiền nuôi cả gia đình.

“Chồng tôi thường ghen tuông, uống rượu vào là đánh đập vợ con. Tôi đã muốn ly hôn lâu rồi, nhưng không dám vì sợ. Bây giờ, anh ấy vào tù, còn lại mấy mẹ con bà cháu nương tựa nhau mà sống” - chị K. cho hay.

Tuy nhiên, trong phiên tòa ấy, người chịu nỗi đau lớn nhất có lẽ là bà T.T.H. Bà là mẹ của bị cáo nhưng cũng là vợ của bị hại. Tại chiếc bàn gần cuối phòng xử án, bà H. đã qua tuổi lục tuần, mái tóc bạc trắng, nước da đen sạm, khuôn mặt rất khắc khổ in hằn nhiều nếp nhăn và trông gầy gò ốm yếu. Bà nhìn chăm chăm vào người con trai duy nhất đang là bị cáo đứng trước phiên tòa rồi lặng lẽ cúi xuống lấy tay lau nước mắt.

Bà H. kể, bị cáo Dũng cũng là nạn nhân của rượu, bia và bạo lực gia đình. Ngay từ nhỏ, Dũng thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ. Lâu dần, tính cách của Dũng cũng bị ảnh hưởng, trở nên bạo lực, thường xuyên nhậu nhẹt, bị hoang tưởng và đánh đập vợ con.

Tại phiên tòa, nhận thấy hành vi của bị cáo là rất dã man, chém liên tiếp vào người cha đến khi tử vong và còn rất bình thản sau khi giết người. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo là người con duy nhất và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên Hội đồng xét xử đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật mà tuyên bị cáo án chung thân.

Ra khỏi phòng xử án, tâm lý bị cáo ổn định hơn. Bị cáo quay lại dặn mẹ và vợ thường xuyên đến thăm mình. Bị cáo cũng kịp dặn 2 con gái phải thật ngoan, vâng lời bà và mẹ, cố gắng học tốt.

Trong ánh nắng giữa trưa chiếu xuống, giữa sân tòa chỉ còn lại bóng 4 mẹ con, bà cháu dắt nhau ra cổng để đón xe trở về nhà. Trước mắt họ không chỉ đối diện với muôn vàn khó khăn để mưu sinh mà còn mang trong mình nỗi đau khôn nguôi về bi kịch của gia đình đến từ rượu, bia và bạo lực.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202204/bi-kich-mot-gia-dinh-den-tu-ruou-bia-va-bao-luc-3113509/