Bị từ chối xác nhận đất ở dù sổ đỏ ghi thổ cư; tràn ngập biển rao bán 'nhà ngộp'
Bất động sản tuần qua nổi bật với tin tức: Bị từ chối xác nhận đất ở dù sổ đỏ ghi thổ cư sử dụng lâu dài; Cấp sổ đỏ lần đầu ở xã trong 3 ngày, không cần xác nhận 'đất không tranh chấp'; Khu đô thị ở TPHCM tràn ngập biển rao bán 'nhà ngộp'.
Bị từ chối xác nhận đất ở dù sổ đỏ ghi thổ cư sử dụng lâu dài, Bộ trả lời thế nào?
Một công dân phản ánh, gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cấp năm 1994, trong đó ghi rõ 1.080m2 là đất thổ cư thời hạn sử dụng lâu dài. Đây là đất từ thời ông cha để lại.
Nay công dân làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận mới. Trong báo cáo nguồn gốc đất của UBND phường có khẳng định 1.080m2 có nguồn gốc đất ở đô thị, được hình thành trước ngày 18/12/1980, không có tranh chấp. Tuy nhiên, Văn phòng Đăng ký đất đai lại không công nhận toàn bộ 1.080m2 là đất ở.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường có nêu ý kiến chung về nguyên tắc.
Theo bộ này, pháp luật đất đai không có quy định loại đất thổ cư. Do đó, theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất yêu cầu cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc trường hợp đăng ký biến động đất đai.
Cấp sổ đỏ lần đầu ở xã trong 3 ngày, không cần xác nhận ‘đất không tranh chấp'
Theo quy định tại Nghị định 151/2025, có hiệu lực thi hành từ 1/7, người dân không phải xác nhận đất không tranh chấp khi làm sổ đỏ.

Người dân được tư vấn, hỗ trợ thực hiện thủ tục về đất đai. Ảnh: Hồng Khanh
Cụ thể, khoản 4 Điều 18 của Nghị định quy định UBND cấp xã khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) tại các Điều 137, 138, 139 và 140 Luật Đất đai 2024 không phải thực hiện riêng việc xác nhận về sự phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp, đất sử dụng ổn định.
Như vậy, theo quy định nêu trên kể từ 1/7, người dân không phải xác nhận tình trạng đất không tranh chấp khi làm sổ đỏ.
Bất động sản Hòa Bình đìu hiu sau sáp nhập, shophouse tiền tỷ bỏ hoang
Từng là cái tên 'hot' trên thị trường bất động sản Tây Bắc, sau khi sáp nhập, bất động sản trung tâm TP Hòa Bình cũ (phường Hòa Bình, phường Thống Nhất) trở nên trầm lắng.
Không chỉ phân khúc bình dân trầm lắng, ngay cả căn hộ cao cấp cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Tại nhiều khu "đất vàng”, các dự án nhà ở thương mại, shophouse cũng vắng bóng người ở.
Ghi nhận của PV VietNamNet vào giữa tháng 7, tại dự án nhà ở thương mại shophouse tổ 3, phường Hòa Bình có hàng chục căn shophouse, biệt thự sang trọng ngay cạnh đường Lý Nam Đế; đường Trương Hán Siêu và cạnh trụ sở UBND phường Hòa Bình.
Có vị trí đắc địa là vậy, nhưng bên trong dự án lác đác vài hộ dân sinh sống, nhiều căn phủ kín cỏ dại, tạo nên khung cảnh đìu hiu giữa trung tâm phường Hòa Bình.
Khu đô thị ở TPHCM la liệt biệt thự bỏ hoang, tràn ngập biển rao bán 'nhà ngộp'
"Mua bán, cho thuê nhà đất", "Nhà ngộp cần bán gấp", "Có nhà rẻ nhất khu vực"... là nội dung các bảng quảng cáo treo la liệt trước những căn biệt thự, nhà phố ở Khu đô thị Đông Tăng Long (phường Long Phước, TPHCM).

Hàng loạt biệt thự, nhà phố xây xong bị bỏ hoang, cỏ dại mọc kín lối đi. Ảnh: Nguyễn Huế
Khu đô thị Đông Tăng Long được khởi công từ năm 2005, do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án nằm bên đường Nguyễn Duy Trinh, cách trung tâm TPHCM khoảng 20 km. Với quy mô gần 160 ha, dự án được quy hoạch thành nhiều phân khu chức năng như khu căn hộ phức hợp, chung cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí và thể thao.
Khảo sát của VietNamNet tháng 7/2025 cho thấy chưa đến 1/10 số bất động sản đã có người ở. Dù tỷ lệ cư dân rất thấp, giá bất động sản tại dự án vẫn tăng đều. Theo một trang chuyên về BĐS, giá rao bán từ tháng 6/2024 đến 6/2025 tăng 11,3%, hiện phổ biến ở mức 77,9 triệu đồng/m². So với năm 2020, giá tăng 59,6% – tức một căn nhà 5 tỷ đồng nay đã gần 8 tỷ.
Mất tiền tỷ chuyển đất vườn sang đất ở: Mức thu cần linh hoạt, không quy định ‘cứng’
“Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Điều 8 Nghị định 103/2024/NĐ-CP nhằm quy định cụ thể mức thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở trong một số trường hợp đặc thù. Trong đó có chuyển mục đích từ đất nông nghiệp (đất vườn, ao) trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng chưa được công nhận là đất ở, sang đất ở.
Ủng hộ việc Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 103, TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cũng cho rằng các trường hợp trên thực sự chưa lấp đầy được khoảng trống trước các vấn đề thực tế của xã hội.
Theo ông Lượng, mức thu tiền sử dụng đất cần linh hoạt, không thể quy định 'cứng' một con số cố định vì có rất nhiều biến số cần thẩm định, đánh giá. Không thể cào bằng, lấy một ‘đôi giày’ dùng chung cho tất cả mà cần phải ‘đóng giày’ riêng theo từng hoàn cảnh cụ thể”, TS. Trần Xuân Lượng lưu ý.
Giá nhà TPHCM lập đỉnh, căn hộ 1 phòng ngủ có giá bán hơn 30 tỷ đồng
Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở khan hiếm, mới đây một doanh nghiệp bất động sản đã gây “choáng váng” khi công bố mức giá bán dự kiến, tức giá rumor, cho các căn hộ hạng sang tại một dự án ngay trung tâm TPHCM.
Cụ thể, căn hộ diện tích 53m2 có giá từ 24 - 25,5 tỷ đồng; căn 1 phòng ngủ (51,02m2 - 64,57m2) có giá 29,5 - 31,5 tỷ đồng; căn 1 phòng ngủ diện tích từ 67m2 - 72m2 có giá từ 33,5 - 35 tỷ đồng; căn 2 phòng ngủ (88,58m2 - 117,05m2) có giá 50,5 - 52 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), giá nhà tại TPHCM đã liên tục tăng trong những năm qua. Năm ngoái, giá bán trung bình đã lên tới 90 triệu đồng/m², tương đương bình quân 9,7 tỷ đồng/căn. Để gia tăng nguồn cung và gián tiếp kéo giảm giá bán, ông kiến nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho khoảng 220 dự án.