Biến chất thải chăn nuôi thành tiền

Cùng với việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, chất thải chăn nuôi đã được nhiều hộ, cơ sở chăn nuôi tận dụng, chế biến thành nguồn phân bón sạch, được tái sử dụng cho hoạt động nông nghiệp.

Trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thế Hùng

Trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thế Hùng

Mới chỉ bắt đầu bước vào chăn nuôi từ giữa năm 2021, nhưng đến nay, anh Nguyễn Quốc Tuấn đã được coi là một trong những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch. Điển hình không chỉ bởi quy mô chăn nuôi lớn, mà còn bởi cách anh tận dụng, biến chất thải trong chăn nuôi bò thành phân bón phục vụ trồng trọt.

Ngay khi bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, anh Tuấn đã lựa chọn phương pháp nuôi bò trên nền đệm lót sinh học sử dụng các nguyên liệu chính là trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi chuồng trại.

Với quy mô chăn nuôi cao điểm có lúc đạt gần 200 con bò, trung bình cứ 3 tháng anh thay nền đệm lót một lần với khối lượng lên tới 170 tấn. 90% lượng bã thải này được anh bán cho các hộ dân trong và ngoài xã để làm phân bón cho thanh long ruột đỏ, đồng thời, tái phục vụ việc trồng và chăm sóc 3 ha cỏ voi - nguồn thức ăn chính cho đàn bò của gia đình.

Số bã thải còn lại được anh tiếp tục ủ với chế phẩm sinh học tạo thành phân bón hữu cơ phục vụ hoạt động trồng trọt của gia đình và bán cho một số hộ có nhu cầu sử dụng trồng rau sạch và cây cảnh.

Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh cho đàn bò mà còn giúp anh Tuấn tiết kiệm 30 triệu đồng/năm do không phải mua phân bón hóa học phục vụ trồng cỏ voi. Đồng thời, tạo ra giá trị tăng thêm từ việc bán phân với thu nhập lên tới 25 triệu đồng/đợt.

Anh Tuấn chia sẻ: “Việc sử dụng phân bón hóa học lâu ngày sẽ làm mất đi sự tơi xốp, màu mỡ vốn có của đất, cây trồng chậm lớn, cằn cỗi. Trái lại, nếu tận dụng nguồn đệm lót sinh học để bón cho cây trồng vừa giúp tiết kiệm chi phí, không độc hại, vừa giữ được độ màu mỡ cho đất trồng”.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một phần giá trị tăng thêm trong hoạt động chăn nuôi như anh Tuấn, từ nhiều năm nay, HTX Tài Yên, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương đã biến chất thải trong chăn nuôi gà thành tiền thông qua việc sản xuất phân bón hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Bổng, Giám đốc HTX Tài Yên cho biết: “Trước đây tôi chủ yếu cung cấp phân gà chưa qua xử lý cho các hộ trồng cây ăn quả, rau màu trong và ngoài tỉnh. Mặc dù phân gà tốt, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng nhưng việc bón trực tiếp phân gà tươi dễ khiến cây trồng nhiễm bệnh, chết.

Để sử dụng, các hộ phải chủ động mua từ trước để có thời gian ủ cho phân hoai mục. Do đó, năm 2019, tôi quyết định thành lập HTX, đầu tư máy móc, nhà xưởng, bắt đầu chế biến phân gà thành phân hữu cơ”

Phân gà tươi được thu mua từ các hộ chăn nuôi đem về HTX xử lý bằng chế phẩm sinh học; sau thời gian ủ 3 tháng, khi phân hoai mục, tơi xốp và hết mùi hôi sẽ được cho vào máy nghiền, đóng bao, trở thành phân bón với độ hữu cơ cao.

Với sản lượng tiêu thụ ổn định, cao điểm có tháng lên tới gần 60 tấn, cùng thị trường mở rộng tới tới nhiều vùng như ở Mê Linh (Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), Tuyên Quang, trung bình mỗi năm, HTX thu về khoản lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng.

Không chỉ vậy, với việc thu mua bình quân 300 - 400 tấn phân gà tươi mỗi tháng, HTX Tài Yên còn góp phần tích cực vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gà ở xã Thanh Vân nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Là một tỉnh phát triển mạnh về chăn nuôi, Vĩnh Phúc hiện có gần 100 nghìn hộ, cơ sở có hoạt động chăn nuôi; với khoảng 122 nghìn con trâu, bò, 466 nghìn con lợn và gần 12 triệu con gia cầm. Ước tính mỗi năm, có khoảng 1,5 triệu tấn chất thải (chất thải rắn) từ đàn gia súc, gia cầm được thải ra.

Theo ông Trương Công Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phân của vật nuôi chứa nhiều nitơ, phốt pho, kẽm, đồng, asen, niken,… và các vi sinh vật gây hại khác; nếu các chất thải chăn nuôi, đặc biệt là phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Thế nhưng, ở một góc độ khác, đây cũng là nguồn nguyên liệu lớn có thể tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ tái phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi được khai thác có hiệu quả, không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Theo đó, bên cạnh việc phát triển công nghệ chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi và bảo vệ môi trường, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ, áp dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76642/bien-chat-thai-chan-nuoi-thanh-tien.html