Biển có vững, bờ mới yên - Bài cuối: Quân - dân nghĩa tình

'Trường Sa vì Tổ quốc', 'Cả nước vì Trường Sa', những tiếng hô đồng thanh vang vọng giữa trùng khơi khi tàu rời cảng Trường Sa đã nói lên phần nào sự gắn bó máu thịt của tình quân - dân. Nghĩa tình ấy chính là sức mạnh để Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, luôn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

“Biển có vững thì bờ mới yên”, nhận định này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của biển đảo đối với quốc phòng - an ninh và đã được minh chứng qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Lịch sử cho thấy, trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển.

Trường Sa vì Tổ Quốc

Trong suốt hải trình, đi đến đâu chúng tôi cũng được sự tiếp đón trang nghiêm, thân thiện của quân, dân trên đảo. Mọi người tay bắt mặt mừng kể chuyện đảo, thăm hỏi đất liền, trao nhau những phần quà, cùng nắm tay nhau cất lên những lời ca tiếng hát thắm tình quân dân, tình đoàn kết...

Nhìn các chiến sĩ chăm chút vườn rau, từng gốc cây được mang ra từ đất liền sau những giờ huấn luyện, phủ màu xanh trên đảo... mới thấy ý chí quyết tâm, nghị lực vươn lên trong mọi tình huống của quân và dân nơi đây, để quần đảo Trường Sa mãi là pháo đài, trạm gác tiền tiêu và là lá chắn vững chắc từ hướng biển.

Kết thúc hải trình, trở lại với đất liền, 10 lời thề của chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn cũng như lời chia sẻ của Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, khiến tôi nhớ mãi: “Sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân, đặc biệt là tình cảm nơi đất liền là động lực để các chiến sĩ, quân và dân Trường Sa luôn sẵn sàng trước mọi nhiệm vụ, trụ vững tại nơi tuyến đầu của Tổ quốc và sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền biển đảo”.

Tình cảm của đất liền là động lực để chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Tình cảm của đất liền là động lực để chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương.

Dù công tác xa đất liền, luôn đối mặt với sóng gió nhưng lúc nào các chiến sĩ cũng lạc quan, vui tươi, tự hào khi được làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trung sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, công tác trên đảo An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa, tâm sự: “Sự anh dũng, hy sinh của các thế hệ cha anh bảo vệ chủ quyền biển đảo, sự quan tâm của tất cả các cơ quan Nhà nước, của mọi người... khiến bản thân tôi càng tự hào hơn khi được trở thành lính đảo. Ðó còn là nguồn động lực, tiếp thêm quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng”.

Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Chỉ huy trưởng đảo An Bang, cho biết: “Chiến sĩ trên đảo luôn phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì, cảnh giác giữ vững chủ quyền. Sự quan tâm của cả nước là động lực vô cùng to lớn để cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên đảo ra sức rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh và ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ”.

Ðại tá Ngô Văn Thành, Chính ủy Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân, trải lòng: “Ðoàn công tác đã mang tình cảm, hơi ấm, niềm tin của đất liền đến với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Ðây là nguồn động viên chiến sĩ và Nhân dân trên đảo yên tâm trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió. Với chúng tôi, không có niềm vinh dự nào bằng vinh dự được phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.

Cả nước vì Trường Sa

Vượt mọi thử thách nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, quyết tâm của quân và dân trên quần đảo Trường Sa đã mang hàng triệu trái tim Việt từ khắp nơi trên thế giới hòa cùng nhịp đập với biển đảo thiêng liêng.

Không cầm được nước mắt khi dự Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Cô Lin, Len Ðao, Gạc Ma, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ, đây là lần đầu tiên được đến thăm các chiến sĩ trên đảo Trường Sa, được nghe kể về sự dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương của các anh khiến bà vô cùng xúc động.

“Sau chuyến đi, tôi sẽ giáo dục con cháu, người thân của mình về truyền thống anh hùng của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam, tích cực tuyên truyền đến hội viên phụ nữ và Nhân dân của tỉnh Tuyên Quang về Trường Sa, về sự anh dũng của các chiến sĩ nơi đây để cùng nhau hướng về Trường Sa. Chúng tôi sẽ là một phần hậu phương cho quân, dân nơi Trường Sa vững tâm bảo vệ biển đảo thân yêu”, bà Xuân chia sẻ.

Trên boong tàu KN 290, dõi mắt ra biển xa, Nghệ sĩ Nhân dân Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, bộc bạch: “Tôi vô cùng xúc động trước những tình cảm, sự nhiệt tình, cảm phục sự quyết tâm, ý chí dũng cảm và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên các đảo và nhà giàn”.

Nghệ sĩ Ðoàn Cải lương Hương Tràm giao lưu văn nghệ với chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

Nghệ sĩ Ðoàn Cải lương Hương Tràm giao lưu văn nghệ với chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

“Cảm phục và xúc động” cũng là cảm xúc của tất cả thành viên Ðoàn Công tác số 16 khi đến thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/9. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người thân, bạn bè, cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có nhiều hơn nữa những hoạt động hướng về Trường Sa thân yêu.

“Riêng bản thân tôi sẽ nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước phân công để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước và là hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, ông Tuyên trải lòng.

Ông Mai Ðăng Tuấn, Phó tổng giám đốc Nội chính và Dịch vụ, Liên doanh Vietsovpetro, bày tỏ: “Tập thể Vietsovpetro sẽ luôn nỗ lực hết mình, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Khẳng định các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo là tấm gương để những người từ hậu phương học tập, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, cho biết: “Với tinh thần cả nước vì Trường Sa, thời gian qua Cà Mau đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động, phong trào hướng về Trường Sa, hướng về những chiến sĩ, ngư dân đang ngày đêm vươn khơi, bám biển. Ðiều đó phần nào thể hiện tình cảm sâu nặng của đất liền, của hậu phương với biển đảo. Thời gian tới Cà Mau sẽ tăng cường các hoạt động hướng về biển đảo để huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực, góp phần xây dựng, bảo vệ biển, đảo và vùng trời của Tổ quốc”.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, những cây bàng vuông từ quần đảo Trường Sa được trồng trong Khu Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, những viên đá khẳng định chủ quyền từ các đảo được trưng bày trong nhà kính tại khu tưởng niệm Bác... thể hiện rõ nhất sự trân quý và tấm lòng của người Cà Mau hướng về Trường Sa, hướng về những chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đảo xa để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bien-co-vung-bo-moi-yen-bai-cuoi-quan-dan-nghia-tinh-a32755.html