Biến động kinh tế – chính trị 'thổi bay' 320 tỉ lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu
Diễn biến bất ổn địa chính trị và kinh tế làm mất mát hơn 300 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu kể từ năm 2017, theo báo cáo nghiên cứu của EY-Parthenon, đơn vị tư vấn chiến lược cho hãng kiểm toán EY.

Trong ba năm qua, giới lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu phải căng thẳng ứng phó với một loạt bất ổn từ căng thẳng thương mại, lạm phát cho đến chiến tranh. Ảnh: workfastconsulting
Báo cáo của EY-Parthenon công bố hôm 21-7 cho thấy, gần 3.500 công ty đại chúng trên toàn cầu có doanh thu hàng năm trên 1 tỉ đô la đã mất mát tổng cộng 320 tỉ đô la lợi nhuận trong các giai đoạn biến động địa chính trị và vĩ mô suốt bảy năm qua.
“Sau nhiều năm tiền tệ giá rẻ (lãi suất thấp, dễ tiếp cận vốn) và địa chính trị tương đối ổn định, một làn sóng thay đổi vĩ mô, từ các căng thẳng thương mại đến các xung đột quân sự toàn cầu đã khiến chính sách của các chính phủ và các sự kiện toàn cầu đang có tác động lớn hơn đến giá trị và lợi nhuận của doanh nghiệp so với nhiều thập kỷ trước”, Mats Persson, trưởng bộ phận vĩ mô và địa chiến lược của chi nhánh của EY-Parthenon tại Anh nhận xét.
Nghiên cứu của EY-Parthenon cũng phát hiện ra rằng, trong ba năm qua, khoảng 40% mức thay đổi về tổng giá trị của chỉ số chứng khoán FTSE 100 xảy ra vào những ngày có các sự kiện kinh tế hoặc địa chính trị lớn.
Khoảng 25% trong số 3.500 công ty đại chúng được nghiên cứu ghi nhận biên lợi nhuận mất 5% hoặc hơn trong ba năm qua. Thiệt hại được đo lường bằng biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao tài sản cố định (EBITDA).
Sự sụt giảm biên lợi nhuận đó diễn ra khi thị trường toàn cầu rung chuyển do lạm phát tăng vọt, chiến tranh của Nga ở Ukraine, cú sụp đổ của thị trường trái phiếu chính phủ Anh, xung đột Israel-Hamas, và sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump vào năm 2024.
Các doanh nghiệp Trung Quốc chịu cú sốc lợi nhuận lớn nhất, với 40% trong số 833 công ty được phân tích chịu thiệt hại tổng cộng 73 tỉ đô la về EBITDA. Persson cho biết, sự sụt giảm lợi nhuận của công ty Trung Quốc chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản, thép và xây dựng.
Doanh nghiệp đại chúng ở Anh chịu ít thiệt hại hơn. Chỉ có 14 trong số 100 công ty Anh được nghiên cứu chứng kiến biên lợi nhuận EBITDA suy giảm trong ba năm qua.
Mặc dù không nghiêm trọng như ở Trung Quốc, nhưng sự thiệt hại này thấy ngay cả doanh nghiệp niêm yết ở các thị trường có quy mô tương đối nhỏ hơn Anh cũng phải vật lộn để duy trì lợi nhuận trong thời kỳ hỗn loạn.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã thích nghi tốt với bối cảnh vĩ mô đang thay đổi, ghi nhận lợi nhuận vượt trội so với các công ty cùng ngành. Nghiên cứu của EY-Parthenon cho thấy, có 10% trong số các công ty toàn cầu có biên lợi nhuận EBITDA thuộc nhóm 25% cao nhất vào năm 2014 có thể duy trì được mức biên lợi nhuận đó vào năm 2024.
Tại Mỹ, các doanh nghiệp có biên lợi nhuận EBITDA tăng so với các đối thủ cùng ngành bao gồm công ty máy móc nông nghiệp Caterpillar, công ty logistics UPS, hai hãng dược thuốc Pfizer và Merck và tập đoàn hàng tiêu dùng Johnson & Johnson.
Tại Anh, một vài cái tên nổi bật, như chuỗi cửa hàng thời trang Next, nhà sản xuất hóa chất Croda, công ty khai thác mỏ Rio Tinto và công ty kỹ thuật Spirax vẫn tiếp tục tăng trưởng về biên lợi nhuận.
Theo Persson, những doanh nghiệp có hiệu suất lợi nhuận vượt trội này cho thấy bối cảnh mới đã tạo ra cả người thắng và kẻ thua.
Ông giải thích, các doanh nghiệp có thể bảo vệ hoặc đạt được biên lợi nhuận cao nhất đã đa dạng hóa danh mục đầu tư thành công, quản lý tốt chi phí, xác định và hiểu rõ các thay đổi chính sách khác nhau, đồng thời cập nhật quản trị để thích ứng với một thế giới đang thay đổi.
Theo Financial Times