Biên giới biển đảo quê hương: Việt Nam - Thành viên tích cực, có trách nhiệm của UNCLOS 1982
Ngày 10/12/1982 đánh dấu một sự kiện trọng đại trong quá trình phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế, đó là sự ra đời của một văn kiện pháp lý quốc tế được gọi là Hiến chương về biển và đại dương: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, UNCLOS 1982 tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện về biển và đại dương, điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, quy định rõ ràng và toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia, các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương, cơ chế và nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bắt buộc bằng các biện pháp hòa bình và hợp tác quốc tế về biển.
Là một quốc gia có bờ biển dài trên 3.260 km, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn nhận thức rõ ràng vai trò và tầm quan trọng lớn lao của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. Ngay từ quá trình thương lượng xây dựng văn kiện cho đến khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, Việt Nam đã luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm, thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ngay sau khi văn kiện này được mở ký vào ngày 10/12/1982 tại Vịnh Montego, Jamaica.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS 1982, trong đó nêu rõ: "Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển". Ngày 14/7/1994, Việt Nam đã nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc và đến ngày 16/11/1994, UNCLOS 1982 chính thức có hiệu lực.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!