Bình Dương: Hành trình 28 năm và hướng tới tương lai

Bình Dương đã trải qua một chặng đường phát triển ấn tượng trong 28 năm qua, vươn mình từ một địa phương còn nhiều khó khăn trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội năng động bậc nhất cả nước. Sự thành công này là kết quả của nhiều yếu tố, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền tỉnh, đến sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp và sự đồng lòng, chung sức của người dân.

Tái lập tỉnh đã mở ra một chặng đường phát triển mới để tạo nên một Bình Dương công nghiệp và đô thị hiện nay.

Tái lập tỉnh đã mở ra một chặng đường phát triển mới để tạo nên một Bình Dương công nghiệp và đô thị hiện nay.

Những thành tựu nổi bật

Ghi chép của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương viết lại, từ những năm đầu thập niên 1990, tỉnh Bình Dương – lúc đó còn là một phần của tỉnh Sông Bé – đã khởi đầu hành trình công nghiệp hóa bằng việc quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp (KCN). Với sự chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang công nghiệp hiện đại, tỉnh đã đặt nền móng đầu tiên với việc hình thành KCN Sóng Thần 1 vào năm 1995 - hạt nhân đầu tiên của KCN Bình Dương.

Sau khi tách tỉnh vào tháng 01/1997, Bình Dương còn 13 KCN với tổng diện tích 4.033ha và đi vào xây dựng KCN. Những KCN này được thiết kế và vận hành theo mô hình hiện đại, tận dụng lợi thế vị trí chiến lược gần Thành phố Hồ Chí Minh và các cảng lớn như Cát Lái, Thị Vải.

Chuyển đổi mô hình kinh tế, Bình Dương thành công gần 28 năm qua đã là bài học quý cho nhiều địa phương khác trên cả nước.

Chuyển đổi mô hình kinh tế, Bình Dương thành công gần 28 năm qua đã là bài học quý cho nhiều địa phương khác trên cả nước.

Lấy công nghiệp làm động lực chính, tỉnh Bình Dương đã không ngừng mở rộng quy mô và số lượng các KCN. Đến nay, Bình Dương đã có 29 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 12.721ha, chiếm 13% tổng diện tích KCN cả nước. Đó cũng là cơ sở để Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Tính đến cuối tháng 11/2024, tỉnh Bình Dương đã thu hút tổng cộng 42,39 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 4.378 dự án còn hiệu lực, chiếm hơn 8,6% tổng vốn FDI của cả nước.

Các chuyên gia vẫn nhận định, việc đầu tư phát triển KCN không chỉ có Bình Dương. Nhưng, Bình Dương thành công vượt bậc bởi đã làm rất khác, rất đặc biệt, đó là đầu tư hạ tầng, giao thông và kỹ thuật để kết nối các KCN với các khu đô thị và cảng biển lớn được đầu tư đồng bộ bài bản ngay từ đầu. Hệ thống đường cao tốc như Mỹ Phước - Tân Vạn và Quốc lộ 13 đã tạo điều kiện thuận lợi cho logistics và giao thương. Đây là cách tính có tầm nhìn xa, dài hơi của các nhà hoạch định tỉnh Bình Dương.

Giao thông, đô thị… phát triển đồng bộ là điều đặc biệt khi lựa chọn hướng đi của Bình Dương từ 28 năm trước.

Giao thông, đô thị… phát triển đồng bộ là điều đặc biệt khi lựa chọn hướng đi của Bình Dương từ 28 năm trước.

Song song với hạ tầng kết nối tốt, tạo thuận lợi cho logistics và sản xuất thì phát triển đô thị thông minh với các dự án như Thành phố mới Bình Dương, cùng chính sách “trải chiếu hoa” mời gọi nhà đầu tư, “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài. Với những chính sách đó đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhân tài từ khắp nơi trên đất nước cũng như ở nước ngoài đã đến với Bình Dương. Chế độ an sinh, hệ thống y tế và giáo dục đã được Bình Dương chú trọng đầu tư cũng mang lại cảm giác an lành cho người lao động từ nơi xa tới gây dựng tổ ấm.

Từ những chiến lược phát triển đúng đắn này đã đem lại thu nhập bình quân đầu người tại Bình Dương đạt mức cao nhất cả nước. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người Bình Dương đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng, cao hơn cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Lớn hơn, Bình Dương đã đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu, là điểm sáng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.

Những dấu ấn nổi bật của Bình Dương hôm nay chính là kết quả của 28 năm kế thừa và phát huy tinh thần đội mới sáng tạo từ việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến phát triển đô thị thông minh thì Bình Dương đã chứng minh khả năng biến những định hướng chiến lược thành hành động thiết thực. Những nỗ lực này không chỉ là đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương mà còn góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đại hội IV của Đảng đã đề ra.

Các chuyên gia nghiên cứu về Bình Dương đều khẳng định, sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân là yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh cho sự phát triển của Bình Dương.

Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia

Những thành tựu của Bình Dương trong 28 năm qua không thể tách rời vai trò định hướng, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Trung ương trong mọi lĩnh vực phát triển. Từ các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt từ Đại hội VI (1986) về đổi mới kinh tế và Đại hội XIII (2021) về chuyển đổi số và phát triển bền vững, đã tạo nền tảng cho Bình Dương hoạch định kế hoạch phát triển dài hạn. Sau này, tại Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Trung ương xác định Bình Dương là một trong những địa phương hạt nhân của vùng, tập trung phát triển công nghiệp, logistics và đô thị hiện đại… Những định hướng này đã được Bình Dương nắm bắt nhanh, vận dụng đúng và linh hoạt để kiến tạo ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh.

Bình Dương đã đưa vào thị trường gần 16.000 căn hộ nhà ở xã hội. Đây là một trong những điều đã tạo nên sự tin tưởng của công nhân lao động xa quê.

Bình Dương đã đưa vào thị trường gần 16.000 căn hộ nhà ở xã hội. Đây là một trong những điều đã tạo nên sự tin tưởng của công nhân lao động xa quê.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương từng khẳng định: “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương là sự hoán chuyển những bất lợi thành lợi thế tạo nên chiến lược phát triển đúng đắn để bứt phá đi lên. Là sự kết hợp giữa khát vọng chinh phục những đỉnh cao với tầm nhìn vượt trước và tinh thần không ngừng đối với sáng tạo cùng chủ trương mở đường, cơ chế tạo thuận lợi của Trung ương được cụ thể hóa, tích hợp với cách làm linh hoạt, sự vận dụng sáng tạo của địa phương, sự đồng hành chia sẻ của doanh nghiệp và người dân; Giữa sự gắn kết chặt chẽ mục tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa… tất cả đã tạo nên một Bình Dương vững mạnh ngày nay”.

Becamex - “Đại bàng Việt Nam đích thực”, một trong những yếu tố chủ chốt tạo lập nên thành công của Bình Dương.

Becamex - “Đại bàng Việt Nam đích thực”, một trong những yếu tố chủ chốt tạo lập nên thành công của Bình Dương.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Sẽ là thiếu sót rất lớn khi khảo cứu quá trình phát triển khác thường của Bình Dương mà không chú ý đến vai trò của Becamex - một Tập đoàn kinh tế Nhà nước, “Đại bàng Việt Nam đích thực”, một trong những yếu tố chủ chốt tạo lập nên thành công của Bình Dương. Becamex chính là lực lượng chủ công định hướng và định hình chân dung phát triển của Bình Dương suốt 28 năm qua. Đây là điều chưa Tập đoàn kinh tế nào khác – cả tập đoàn kinh tế Nhà nước lẫn tập đoàn tư nhân Việt Nam nào làm được ở bất cứ địa phương nào ngoài Bình Dương.

Một “trụ cột” nữa đã góp phần lớn vào sự thành công của Bình Dương trong 28 năm qua đó là sự đồng thuận của lòng dân. Tinh thần đoàn kết, sẵn sàng thay đổi, và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với chính quyền đã tạo nên một Bình Dương năng động, hiện đại, bền vững và phát triển đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của cả nước.

28 năm qua, người dân Bình Dương luôn ủng hộ chính quyền trong mọi lĩnh vực từ chuyển đổi mô hình kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Hàng nghìn hecta đất nông nghiệp đã được chuyển đổi thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị mới. Đó chính là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp như VSIP, Sóng Thần, và Mỹ Phước và các dự án hạ tầng trọng điểm.

Sự đồng lòng của người dân còn tạo nguồn lực lao động hơn 482.000 người cho các khu công nghiệp, trong đó 90% là người nhập cư từ các tỉnh thành khác. Sự cần cù, chăm chỉ của lực lượng lao động đã giúp các doanh nghiệp đạt năng suất cao và nâng tầm thương hiệu của Bình Dương trên trường quốc tế… Người dân còn cùng chính quyền Bình Dương xây dựng xã hội văn minh, bảo vệ môi trường, đồng lòng vượt khó…

Năm 2030, quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với tinh thần luôn đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Bình Dương đã trở thành hình mẫu về sự đổi mới, bứt phá trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Không dừng lại ở đó, trong quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đã đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và trở thành trung tâm kinh tế - xã hội năng động, toàn diện và gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, Bình Dương xác định “không ngủ quên trên chiến thắng” mà tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong đó, Bình Dương hướng đến mục tiêu thu nhập bình quân ở mức 15.800 USD/người vào năm 2030; chú trọng phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, hoàn thiện các tiêu chí hành chính và đô thị, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng giao… Bình Dương sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện đồng bộ các chiến lược phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường.

Bình Dương đã chứng minh rằng sự kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống là chìa khóa để tạo nên một địa phương phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế. Đây cũng là nền tảng vững chắc để Bình Dương tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: Quyết định chia tách thành lập tỉnh chẳng những giúp tỉnh Bình Dương tập trung toàn lực, đột phá vươn lên thành một trong những địa phương phát triển năng động ở phía Nam mà còn giúp cho các địa bàn dân tộc, biên giới của tỉnh Bình Phước được tập trung đầu tư thích đáng, phát triển nhanh trong những năm sau.

Bình Dương khó có thể nhanh chóng phát triển công nghiệp và đô thị hiện đại nếu không có quyết định lịch sử đó. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương ngay khi vừa thành lập tỉnh đã nhìn ra và triệt để phát huy những lợi thế của địa phương. Từ đó mở ra một chặng đường phát triển mới để tạo nên một Bình Dương công nghiệp và đô thị hiện nay.

Mai Thanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-duong-hanh-trinh-28-nam-va-huong-toi-tuong-lai-390750.html