Bình lọc nước nhỏ 'gõ cửa' thị trường hàng chục triệu đô

Bốn năm trước, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang phối hợp với 1 doanh nghiệp tặng 152.000 bình lọc nước miễn phí cho người dân tại 54 xã cũ trong tỉnh. Không chỉ An Giang, mà chương trình tặng bình lọc nước miễn phí cho phụ nữ khắp vùng ĐBSCL.

Ít ai biết, bình lọc nước nhỏ gọn đặt trong căn bếp của hộ dân miền Tây – tưởng chỉ để lọc nước uống – lại đang mở ra cánh cửa đưa Việt Nam bước chân vào một thị trường trị giá hàng chục triệu đô la: thị trường tín chỉ carbon tự nguyện quốc tế. Trong bối cảnh kinh tế xanh dần trở thành chuẩn mực toàn cầu, dự án phân phối miễn phí bình lọc nước SDWP (viết tắt của Safe Drinking Water Project) – với vẻ ngoài “bình dân” – lại đang trở thành một trong những trường hợp điển hình hiếm hoi về khả năng “thương mại hóa mục tiêu phát triển bền vững”.

Bình lọc nước chứa “ba tầng giá trị”

Dự án tham gia trao bình lọc nước ở Bến Tre cũ 3 năm trước. Ảnh: Báo Đồng Khởi cũ

Dự án tham gia trao bình lọc nước ở Bến Tre cũ 3 năm trước. Ảnh: Báo Đồng Khởi cũ

Không còn phải đun sôi nước bằng củi – thói quen kéo dài nhiều thế hệ – người dân 13 tỉnh miền Tây (cũ) giờ đây chỉ cần rót nước qua chiếc bình lọc, là có thể uống. 900.000 thiết bị đã được Công ty Xúc tiến Đầu tư và Phát triển Bền vững (SIPCO) phối hợp với các tổ chức đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, trao đến hơn 883.000 hộ dân trong các năm qua – hoàn toàn miễn phí.

Lợi ích đầu tiên và dễ thấy nhất là sức khỏe. Không còn nước chưa tiệt trùng, không còn khí độc từ bếp củi, không còn hàng giờ ngồi đun nấu nước uống mỗi ngày.

Lợi ích thứ hai, ít được nhắc đến nhưng không kém phần quan trọng, là tiết kiệm chi phí và thời gian lao động.Trong giai đoạn 2021–2024, người dân đã tiết kiệm được hơn 1 triệu giờ lao động được quốc tế gọi là “lao động không lương” – phần lớn là của phụ nữ và trẻ em – và hàng trăm ngàn đồng tiền nhiên liệu mỗi hộ.

Và thứ ba – giá trị mới, kinh tế hơn – là carbon của loại hình giảm phát thải carbon vì mục tiêu phát triển bền vững.

Lọc nước, lọc luôn hàng triệu tấn CO₂

Trang bìa tiếng Việt của tài liệu dự án.

Trang bìa tiếng Việt của tài liệu dự án.

Hiện dự án hoàn thiện hồ sơ và trong trạng thái đã được xác minh của VERRA, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, chuyên xây dựng và quản lý các tiêu chuẩn quốc tế cho phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Hiểu nôm na nếu ví thị trường carbon là phố Wall của khí hậu, thì VERRA giống như Sở Giao dịch Chứng khoán – nơi thẩm định, niêm yết và đảm bảo tính minh bạch cho từng “cổ phiếu xanh”. Dự án bình lọc nước được xác minh theo tiêu chuẩn SD VISta (Sustainable Development Verified Impact Standard), tức chứng nhận các tác động phát triển bền vững ngoài carbon như sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới...

Theo báo cáo giám sát giai đoạn đầu, việc ngừng đun nấu nước bằng củi đã giúp giảm hơn 2,3 triệu tấn củi gỗ đốt, tương đương gần 3 triệu tấn khí nhà kính CO₂ không thải ra môi trường. Dự án kỳ vọng đạt 1,2 triệu tấn CO₂ giảm phát thải hàng năm trong toàn bộ vòng đời của dự án (2021–2031).

Trên thị trường hiện nay, giá tín chỉ carbon (mỗi tấn CO₂ giảm phát thải có thể quy đổi thành một tín chỉ carbon) dao động 5 - 20 đô la/tín chỉ, riêng giai đoạn đầu, dự án có thể mang về nguồn thu từ 15 đến 60 triệu đô la.

Điều đáng nói là dự án khi chưa được xác minh chính thức nhưng người mua đã sẵn sàng. Vitol (China) Energy – công ty con của tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới– đã ký hợp đồng mua tín chỉ carbon từ dự án của SIPCO. Việc một tên tuổi như Vitol “xuống tiền” từ sớm là biểu hiện rõ cho thấy: tín chỉ carbon Việt Nam, nếu được xây dựng bài bản, hoàn toàn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Chiếc bình mở khóa kinh tế xanh

Trao bình lọc nước ở An Giang vào năm 2022.

Trao bình lọc nước ở An Giang vào năm 2022.

Dự án bình lọc nước không phải công nghệ gì cao ghê gớm, ngược lại, nó là ví dụ điển hình cho hướng tiếp cận mà thế giới đang tìm kiếm: phát triển bền vững chính là giải pháp đơn giản, chi phí thấp, có tác động lan tỏa. SIPCO không chỉ dừng ở việc phát bình lọc nước. Họ khảo sát cộng đồng, huấn luyện sử dụng, theo dõi định kỳ và lưu trữ dữ liệu giám sát – đúng theo quy trình chuẩn quốc tế để được công nhận tín chỉ carbon. Đây là điều mà không nhiều dự án cộng đồng ở Việt Nam có thể làm được.

Việt Nam có đủ tiềm năng để trở thành một “quốc gia xuất khẩu tín chỉ carbon” khi có 14 triệu héc ta rừng, có hàng triệu hộ dân ở nông thôn, có dân số đông và nhiều khu vực dễ tổ chức các dự án quy mô cộng đồng theo chuẩn mực phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

Và doanh nghiệp cũng rất cần chính sách hỗ trợ những người đi tiên phong như dự án nói trên, để họ không chỉ đi được đến đích, mà còn kéo theo những mô hình cộng đồng khác cùng phát triển. Hôm nay là bình lọc nước, ngày mai có thể là bếp đun tiết kiệm năng lượng cho hộ gia đình ở nông thôn và nhiều loại hình đơn giản cho phát triển bền vững ở nông thôn.

Một chiếc bình lọc nước, chưa đến 20 đô la nhưng ít nhiều chứng minh rằng phát triển bền vững có thể sinh lời. Vấn đề là chúng ta có đủ nhanh để nắm lấy cơ hội này – trước khi nó trôi qua?

Nội dung giới thiệu tóm tắt của dự án trên web của VERRA: Mục đích của dự án này là phổ biến máy lọc nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động của dự án giúp giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu gỗ củi của những người sử dụng bếp truyền thống bằng cách phân phối máy lọc nước cho các hộ gia đình. Việc giảm tiêu thụ nhiên liệu gỗ có thể góp phần cải thiện các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Hơn nữa, hoạt động của dự án có thể đóng góp vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam. Dự án có sự hợp tác của các tổ chức đoàn thể các địa phương, nhất là hội phụ nữ.

Nhất Sơn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/binh-loc-nuoc-nho-go-cua-thi-truong-hang-chuc-trieu-do/