Bình luận: Khát vọng và gắn kết
Khát vọng và gắn kết là hai điều người hâm mộ mong mỏi huấn luyện viên (HLV) Kim Sang-sik sẽ khơi dậy và xây dựng cho đội tuyển Việt Nam trong đợt tập dượt cuối cùng trước ngày bước vào Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup) 2024.
Nào đã phải no nên danh hiệu, thành tích gì đâu mà giảm đi khát vọng? Thế mà có đấy. Dù gì thì một thế hệ cầu thủ đã lên đến đỉnh cao nghề nghiệp dưới thời HLV Park Hang-seo. Nhưng cũng ngay giai đoạn cuối của người thầy tuyệt vời này cầm tuyển Việt Nam, đội đã thua liên tiếp các đối thủ thực sự trên tầm đẳng cấp nên đã sinh ra hệ lụy “chán bóng” nơi tuyển thủ. Họ tự thấy mình và đồng đội không thể vươn lên đạt thành tích cao hơn nữa.
Và chừng mực nào đó cái đích của cuộc đời cầu thủ là danh tiếng và cả tiền bạc từ các hợp đồng có sức nặng, họ đều đã đạt được. HLV kế nhiệm Troussier đã đọc được điều này và theo suy nghĩ chủ quan của ông muốn tiến hành cuộc cách mạng từ lớp người trẻ. Cuộc cách mạng ấy thất bại dễ hiểu vì lớp cầu thủ sau còn non không có tài năng nào thực sự nổi bật. Trong khi đó, việc đẩy các cựu binh ra rìa của ông không những làm thiếu đi những nhân tố dày dặn mà còn tác động tiêu cực làm các cầu thủ trẻ hoang mang mất phương hướng. “Tư tưởng không thông vác bình tông cũng nặng” ở hoàn cảnh này là vậy.
Khơi dậy khát vọng tận hiến nơi các cựu binh và truyền động lực vươn lên trong các cầu thủ trẻ quả là việc quá khó. HLV Kim Sang-sik vào cuộc theo cách rất Á Đông mềm mại với sự gần gũi như một người anh. Nhưng ông cũng thể hiện rõ quan điểm của mình. Quyết định không triệu tập Ngọc Hải, Hùng Dũng, Công Phượng dù gây ra chút tiếc nuối song đã được số đông cho là hợp tình hợp lý. Mặt khác, việc ông triệu tập các cầu thủ có phong độ tốt đang đóng vai trò chủ chốt ở các câu lạc bộ cùng một số cầu thủ mới và trẻ triển vọng cũng được dư luận tán thành.
Có khát vọng mà không có sự gắn kết, nhuần nhuyễn thực sự thì không thể tạo nên một đội bóng mạnh và do vậy động lực tinh thần cũng có thể suy giảm. Ở đây chúng ta nhớ lại những phẩm chất của đội tuyển thời HLV Park Hang-seo. Chính câu nói của ông: “Đã nỗ lực hết mình tại sao phải cúi đầu” cho thấy có gì động viên trúng hơn thế. Đó là về tinh thần, còn về sự gắn kết thì chính sự gắn bó, chân thành cả trong, ngoài sân cỏ của ông và đội bóng là chất keo bền chặt. Hơn nữa, lối chơi phòng ngự-phản công hợp lý mà ông xây dựng đã giúp thế trận của đội tuyển luôn chắc chắn và tiềm ẩn đột biến. Các đối thủ từng nhận xét: "Rất khó để ghi bàn vào lưới đội tuyển Việt Nam". Sự chắc chắn, chặt chẽ đến từ đâu? Phải có hàng thủ ăn ý. Phải tạo được thế cả đội phối hợp phòng thủ.
HLV Kim sang-sik sẽ giải quyết vấn đề này thế nào? Bước đầu có thể thấy tất cả hậu vệ của đội đều từng trải, đá cùng nhau nhiều. Vị trí băn khoăn bên cánh trái được tăng cường cầu thủ trẻ Văn Vĩ là một hy vọng mới. Câu chuyện thủ môn sẽ chủ động phối hợp và điều chỉnh họ. Cùng đó, các tiền vệ, nhất là các tiền vệ trung tâm có thể lực tốt, tích cực đeo bám, phối hợp ngăn chặn. Cặp Ngọc Tân và Thái Sơn của Đông Á Thanh Hóa cùng với Văn Trường, Thành Long, Ngọc Quang có sức vóc hứa hẹn sẽ làm tốt phần việc mà các đàn anh Hùng Dũng, Tuấn Anh, Xuân Trường để lại.
Và nữa, bàn thắng đến từ đâu? Từ tiền đạo cắm, chân sút đang vào mạch Tiến Linh. Từ những pha bứt tốc, đánh biên, đường chuyền của Văn Toàn, Tuấn Hải, Hai Long, Văn Khang, Vĩ Hào, Đình Bắc... cùng những pha dứt điểm của chính họ. Từ những cú đấm ở tuyến 2... Chẳng gì thì tất cả phương án này đều đã lập công, tạo dấu ấn tại câu lạc bộ và trải nhiều trận cùng đội tuyển. Đợt tập luyện, đá giao hữu tại Hàn Quốc trước ASEAN Cup 2024 là các bài, miếng tấn công được rèn để thêm nhuyễn và sắc.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/binh-luan-khat-vong-va-gan-ket-804136