Bình Phước và con đường tôi đã chọn (Kỳ 8)

Tháng 11-2017, cuốn hồi ký 'Bình Phước và con đường tôi đã chọn' của Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước giai đoạn 1997-2001 Bùi Thanh Phong được xuất bản. Cuốn hồi ký được hoàn thiện qua ghi chép, thể hiện của nhà báo Trần Phương, kể về quá trình rèn luyện, chiến đấu, đồng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí và nhân dân cả trong chiến tranh và xây dựng quê hương sau khi hòa bình. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, Báo Bình Phước trân trọng trích đăng một số nội dung trong cuốn hồi ký.

TÔI CHƯA LÀM XONG CÂY CỘT ĐÈN

Công việc cứ thế trôi đi, qua một năm tái lập, tôi đã bắt đầu suy nghĩ nhiều về việc xây dựng một thế hệ nối tiếp thật vững vàng để thay thế thế hệ chúng tôi khi nghỉ hưu. Có lần tôi nói chơi chơi với anh em: "Về làm bí thư, tôi chưa làm xong một cây cột đèn đã nghỉ rồi". Chị Bảy Tuyết, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, nay là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh, cứ cười hoài, nói: "Anh cứ chọc tụi tôi riết".

Sau gần một năm hoạt động, từ ngày 20 đến 22-11-1997, Ban Chấp hành lâm thời tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 1997-2000. Do cơ sở vật chất ở Đồng Phú không bảo đảm, nên đại hội được tổ chức tại Hội trường huyện Bình Long. Đại hội đã bầu 41 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 ủy viên; so với lâm thời ngày tái lập tỉnh, Ban Chấp hành tăng 12 ủy viên, Ban Thường vụ tăng 4 ủy viên. Tôi tiếp tục được tín nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy, anh Nguyễn Hữu Luật và anh Bùi Huy Thống tiếp tục làm Phó bí thư Tỉnh ủy.

Đây là đại hội có tính chất bước ngoặt của Bình Phước. Bởi đại hội lần này sẽ xây những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển của Bình Phước sau này, cả về chính trị, công tác cán bộ, định hướng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... Trước đại hội cũng bàn dữ lắm. Thường vụ phân công từng đồng chí lo chuẩn bị đại hội. Người lo cơ sở vật chất, người lo nhân sự. Đặc biệt xây dựng văn kiện đại hội rất quan trọng, phải xác định được Bình Phước có thế mạnh gì, yếu kém gì, hướng phát triển và mục tiêu ra sao, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị như thế nào... Đây là những vấn đề cốt lõi, mang tính chất "sống còn", quyết định tương lai của Bình Phước. Phải có một hướng đi cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh cũng như đặt trong bối cảnh đất nước đang bắt nhịp với hội nhập quốc tế sau khi lệnh cấm vận nước ta đã được dỡ bỏ. Được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời giao nhiệm vụ phụ trách xây dựng văn kiện lúc đó là anh Tám Lợi (Nguyễn Văn Lợi), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước (hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – TS).

Quá trình xây dựng văn kiện, Ban Thường vụ, Tỉnh ủy họp thảo luận rất nhiều, như: Các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đặt ra phải sao cho đạt được chứ không phải đặt ra mà không thực hiện được. Công nghiệp chưa có thì triển khai như thế nào để có được... Các vấn đề đặt ra đều được thảo luận kỹ, thẳng thắn, dân chủ, không duy ý chí. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng như thế nào, để đạt được thì cần vốn ra sao, giải pháp hỗ trợ để chuyển dịch nhanh về sau là gì. Kinh tế điều, tiêu mạnh thì đặt ra mục tiêu trong vòng 5 năm sẽ phát triển lên tới đâu... Về mục tiêu đến năm 2000 thu nhập bình quân đạt 250-260 USD/người/năm, bằng mức trung bình của khu vực Đông Nam bộ không tính các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời điểm đó, khi xây dựng văn kiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người nói không thể đạt được, có người nói đạt được, có người muốn đặt chỉ tiêu cao hơn để phấn đấu... Sau đó Tỉnh ủy đưa ra 2 vấn đề: Thứ nhất là đặt mục tiêu là để phấn đấu và phải thực hiện được, thứ hai là phải nâng dần theo hướng nhanh chóng theo kịp các tỉnh Đông Nam bộ, không thể đứng hoài phía sau như hiện tại, còn thụt lùi là không chấp nhận được... Sau đó anh em đồng thuận, Tỉnh ủy thống nhất nhiệm vụ, chỉ tiêu này đưa ra đại hội và được đại hội nhất trí.

Phát biểu bế mạc đại hội, tôi nói rất ngắn gọn, chỉ nêu những vấn đề chung, trong đó tôi đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nội bộ. Đây cũng là trăn trở của tôi, là lý do lớn nhất anh Sáu Phong giao cho tôi khi trở lại Bình Phước. Trong lần họp ban chấp hành sau đại hội, tôi đã nêu vấn đề:

- Tỉnh ủy phải là trung tâm đoàn kết nội bộ của Đảng bộ tỉnh. Muốn kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phát triển thì xây dựng Đảng phải cho mạnh. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Tự mỗi đồng chí đều cần có tự giác kiểm điểm...

Tôi cũng thẳng thắn nói Bình Phước không được có tư tưởng cục bộ, nếu có tư tưởng cục bộ thì sẽ không thể phát triển nhanh được. Tôi nghĩ có thể cũng có anh em không hài lòng với tôi vì điều đó, tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ vì cái chung chắc cũng không có gì sai. Nghị quyết đại hội được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đánh giá rất sát tình hình thực tế, đưa ra định hướng rất đúng đắn.

Ngày 8-7-2020, thừa ủy quyền của Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Chơn Thành Nguyễn Tấn Hải trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thanh Phong

(Trần Phương trích lược, còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129535/binh-phuoc-va-con-duong-toi-da-chon-ky-8