Blockchain và AI: Công cụ tăng cường minh bạch

Minh bạch là 1 trong 3 trụ cột theo tiêu chuẩn Basel. Với sự bùng nổ của các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI)..., tính minh bạch và sự tăng trưởng của hệ thống tài chính - ngân hàng đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.

Ông Trần Huyền Dinh (ngoài cùng bên phải) trong một cuộc thảo luận về pháp lý cho lĩnh vực blockchain tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Trần Huyền Dinh (ngoài cùng bên phải) trong một cuộc thảo luận về pháp lý cho lĩnh vực blockchain tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Blockchain và AI giúp tăng cường minh bạch, tối ưu chi phí

Theo Tiêu chuẩn Basel, các ngân hàng cần phải đảm bảo 3 trụ cột là vốn tối thiểu, rà soát giám sát và nguyên tắc thị trường. Trong đó, trụ cột 1 yêu cầu vốn tối thiểu để quản trị rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành. Trụ cột 2 cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro khác mà ngân hàng phải đối mặt, như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý.

Trụ cột 3 yêu cầu các ngân hàng phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường, từ các thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn… đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.

Việc thực hiện đầy đủ các quy định của Tiêu chuẩn Basel sẽ giúp các ngân hàng thương mại quản trị tốt các rủi ro, đảm bảo sự ổn định của hệ thống, tăng điểm xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức đánh giá xếp hạng uy tín và nhận được sự tin tưởng từ khách hàng và đối tác.

“Minh bạch là tiêu chí sống còn của ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, đi cùng với bài toán minh bạch và những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, phức tạp về cơ sở dữ liệu, hệ thống quản trị bài bản... là vấn đề về chi phí, vận hành. May mắn là chúng ta có các công nghệ mới như blockchain, AI..., đây sẽ là lời giải cho những vấn đề này”, ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, CEO AlphaTrue cho hay.

Cụ thể, với đặc tính minh bạch và không thể xóa sửa, blockchain được coi là nền tảng của sự minh bạch khi được sử dụng để lưu trữ và xác thực giao dịch trên mạng lưới phi tập trung, giúp giảm thiểu gian lận. Công nghệ này cũng giúp các ngân hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc giao dịch, từ đó phát hiện và ngăn chặn các hành vi phạm pháp.

Đặc biệt, do không cần đến bên trung gian thứ ba, mà thay vào đó là các smart contract (hợp đồng thông minh được tự động hóa theo điều khoản đã lập trình sẵn), blockchain giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch. Ước tính, công nghệ này có thể giúp giảm 30% chi phí cơ sở hạ tầng cho các ngân hàng, tiết giảm chi phí từ 8-12 tỷ USD mỗi năm thông qua việc loại bỏ các bước trung gian.

Một số ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng blockchain như JPMorgan triển khai ONYX blockchain và đang thử nghiệm công nghệ này cho việc thanh toán tài sản thế chấp từ tháng 5/2022, giúp giảm thời gian xử lý và xác minh thanh toán cho các khoản thanh toán lớn. Tại thời điểm cuối năm 2023, có 382 ngân hàng sử dụng nền tảng của JPMorgan để trao đổi dữ liệu.

AI cũng là công cụ hữu ích để nâng cao tính minh bạch nhờ khả năng phân tích dữ liệu nhanh chóng, giúp phát hiện sớm các hành vi gian lận, tối ưu hóa quy trình quản lý rủi ro và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Với khả năng học máy (machine learning), AI có thể phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ và phát hiện ra các mẫu hành vi bất thường, từ đó cảnh báo các ngân hàng về các giao dịch gian lận có thể xảy ra. Thêm vào đó, AI còn có thể dự đoán rủi ro tài chính dựa trên các mô hình phức tạp, giúp các tổ chức tài chính có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.

AI có khả năng tự động hóa các quy trình quản lý rủi ro, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào yếu tố con người và tăng tính chính xác trong các quy trình kiểm toán phức tạp. Các công nghệ AI có thể rà soát các báo cáo tài chính, phát hiện ra những sai sót, gian lận tiềm ẩn trong thời gian ngắn, điều mà trước đây cần nhiều tháng để thực hiện.

Một phần quan trọng trong việc minh bạch là cung cấp thông tin rõ ràng và kịp thời cho khách hàng. Các công nghệ AI như chatbot hay hệ thống tư vấn tài chính tự động giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin và giải đáp thắc mắc liên quan đến tài khoản, giao dịch hay các sản phẩm tài chính khác.

Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã ứng dụng AI từ nhiều năm trước để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động. Ví dụ, Bank of America sử dụng AI để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận. HSBC sử dụng AI để giám sát các giao dịch tài chính và tối ưu hóa quy trình xác minh danh tính khách hàng.

Những thách thức

Nhìn chung, công nghệ blockchain và AI đang hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng truyền thống trong việc nâng cao mức độ minh bạch, trải nghiệm khách hàng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ và nâng cao năng lực cạnh tranh với các công ty tài chính, công ty khởi nghiệp Fintech.

Theo khảo sát năm 2020 của Tập đoàn IBM (Mỹ) đối với 200 ngân hàng từ 16 quốc gia trên thế giới, khoảng 66% ngân hàng đã áp dụng công nghệ blockchain để thực hiện nhiều quy trình như xác minh danh tính khách hàng, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý dữ liệu…

“Blockchain và AI là tương lai của ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, không vì thế chúng ta vội vàng đầu tư theo trào lưu, đầu tư bằng mọi giá, mà cần xác định cụ thể nhu cầu và kế hoạch triển khai để tối ưu nguồn lực và hiệu quả”, ông Trần Huyền Dinh nhấn mạnh.

Đối với ngân hàng, việc lựa chọn các giải pháp về blockchain và AI cần dựa trên các tiêu chí chính như: An toàn dữ liệu, tuân thủ pháp lý về bảo mật, phòng chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), minh bạch, có khả năng tương thích với hệ thống hiện tại, có khả năng mở rộng trong tương lai, tối ưu quy trình, tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách hàng.

Hiện nay, các giải pháp blockchain và AI trong ngành tài chính - ngân hàng nổi bật có thể kể đến như giao thức Chainlink sử dụng công nghệ oracle để kết nối các hợp đồng thông minh và dữ liệu bên ngoài, Consensys tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain cho các tổ chức, nền tảng quản lý tài sản như TrustWallet, Coinbase, Fortius...

Đối với khách hàng, việc lựa chọn một ứng dụng hay một sản phẩm tích hợp blockchain và AI tài chính thường sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như trải nghiệm cá nhân, an toàn dữ liệu, chi phí và kết nối đa nền tảng.

AI đã được ứng dụng và tích hợp sâu vào nhiều sản phẩm tài chính để cá nhân hóa trải nghiệm, phân tích dữ liệu và tối ưu quá trình phản hồi thông tin khách hàng. Tuy nhiên, các ứng dụng blockchain còn khá khiêm tốn do hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, chi phí đầu tư vào hạ tầng vẫn còn là rào cản nên các ứng dụng hoàn chỉnh còn khá ít, trong đó có thể kể đến Remitano, ví Holdstation, ví Basal (ví lưu trữ tài sản số tuân thủ tiêu chuẩn AML/CFT thế giới).

Có thể thấy, blockchain và AI là công cụ hữu hiệu, giúp ngành tài chính - ngân hàng đột phá về mức độ minh bạch, sự bền vững của hệ thống, tránh việc lặp lại khủng hoảng như từng diễn ra năm 2008. Tuy nhiên, các công nghệ mới này cũng đặt ra nhiều cảnh báo về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư, chi phí đầu tư lớn, sự phức tạp trong công nghệ và sự thiếu hụt về khung pháp lý.

Về khía cạnh bảo mật và quyền riêng tư, blockchain được biết đến với tính bất biến và minh bạch, nhưng điều này cũng có nghĩa là dữ liệu được lưu trữ trên chuỗi không thể bị xóa hoặc chỉnh sửa, dẫn đến lo ngại về quyền riêng tư của khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân như GDPR tại châu Âu và Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ Việt Nam ban hành (có hiệu lực từ 1/7/2023). Việc xác định thông tin nào có thể được công khai và làm thế nào để bảo mật thông tin nhạy cảm trở thành một thách thức lớn đối với các ngân hàng khi áp dụng blockchain.

Việc triển khai và tích hợp blockchain, AI vào các hệ thống ngân hàng đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân viên vận hành. Sự phức tạp trong việc kết nối 2 công nghệ này với các hệ thống truyền thống có thể dẫn đến chi phí cao và khó khăn trong quá trình triển khai ở giai đoạn đầu. Đối với nhiều ngân hàng, đặc biệt là các tổ chức nhỏ, khoản đầu tư này là một rào cản lớn, nếu không có kế hoạch triển khai chi tiết có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động hoặc mất dữ liệu.

Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho các ứng dụng công nghệ như blockchain và AI còn chưa hoàn thiện. Điều này có thể dẫn đến rủi ro pháp lý cho các tổ chức tài chính nói chung, ngân hàng nói riêng khi phải tuân thủ các quy định AML/CFT và bảo mật thông tin.

Thực tế từ các nền kinh tế phát triển cho thấy, bên cạnh hệ thống pháp lý, các ngân hàng, định chế tài chính và doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực công nghệ mới nhiều biến động như blockchain và AI còn cần nghiêm túc tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn đạo đức để đảm bảo sự lành mạnh và bền vững của thị trường.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/blockchain-va-ai-cong-cu-tang-cuong-minh-bach-post354347.html