Bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch như thế nào?
Sau khi vận hành nhà máy Yên xá, cơ bản tách được nguồn xả thải gây ô nhiễm sông Tô Lịch. Tuy nhiên, mực nước trên sông sẽ cạn. Do đó, cần phải triển khai giải pháp song song đưa nước sông Hồng về bổ cập cho sông Tô Lịch để tạo dòng chảy và cải thiện môi trường.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và lãnh đạo thành phố, hiện các sở, ngành và quận, huyện có liên quan đang tính toán các phương án kỹ thuật phù hợp để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất. Trong đó, giải pháp tối ưu là ưu tiên dẫn nước trực tiếp từ sông Hồng về cấp cho sông Tô Lịch theo đường ngắn nhất mà không phải đấu nối qua hồ Tây.
Kể từ ngày 1/12, nước thải từ 24 cửa xả lớn và 95 cửa xả nhỏ dọc sông Tô Lịch cơ bản đã được thu gom và đưa về nhà máy Yên Xá xử lý. Tuy nhiên, cùng với đó, do không có nước thải chảy vào, con sông này trở thành “sông chết’’. Hiện đang là mùa khô, mực nước sẽ càng cạn, không có dòng chảy.
Ông Hoàng Thế Hùng - Giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1 cho biết: “Đối với dự án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, thứ nhất giúp làm sạch dòng sông. Thứ hai giúp có nguồn nước vào sông nhằm khôi phục, làm sống lại dòng sông. Thứ ba, sẽ tạo cảnh quan, khai thác các dịch vụ du lịch, giải trí hai bên bờ sông”.
Hiện có 3 phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch đang được nghiên cứu gồm phương án thông qua các trạm bơm Liên Mạc, Xuân Phương và dẫn nước qua hệ thống kênh nước thải của thành phố; phương án đi đường ống dọc theo đường Võ Chí Công và phương án đi đường ống dọc đường Lạc Long Quân. Tuy nhiên, phương án 1 là theo quy hoạch lâu dài, khó khả thi lúc này.
GS.TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho hay: “Phương án làm đập dâng trên sông Hồng chưa thể làm ngay được, nhanh nhất là đến 2030 mới có thể khởi công xây dựng. Nếu xây dựng hai đập sẽ phải mất hai năm mới có thể xong. Có nghĩa rằng, chúng ta phải mất khoảng gần 8-10 năm nữa mới có thể xong toàn bộ hai đập dâng đó”.
Phương án đi tuyến ống dọc theo đường Võ Chí Công đang được cho là khả thi và hiệu quả nhất do mặt bằng đủ rộng, khoảng cách cũng ngắn nhất. Hiện đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp lắp đặt một tuyến ống đường kính 1.200 m, bằng cách khoan kích ngầm ở độ sâu khoảng 5 m chạy dọc đường này ưu tiên dẫn nước thẳng về sông Tô Lịch. Đến ngã tư giao với đường Xuân La hoặc Nguyễn Hoàng Tôn có thể trích thêm điểm đấu nối đưa nước về bổ cập cho hồ Tây trong trường hợp cần thiết.
Vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các bên liên quan đã làm việc với Cục đê điều - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất về vị trí xây dựng trạm sơ lắng khu vực ngoài bãi và phương pháp đưa nước sông Hồng qua khu vực đê. Hiện dự án vẫn đang được đơn vị tư vấn khảo sát và lên phương án kỹ thuật chi tiết. Chủ tịch UBND thành phố đã giao nhiệm vụ hoàn thành dự án này vào tháng 9 năm 2025.