Bộ Công Thương ra công điện hỏa tốc ứng phó khẩn cấp với hoàn lưu bão số 3
Chiều 22/7, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc 5444/CĐ-BCT về tiếp tục triển khai ứng phó khẩn cấp với bão và hoàn lưu bão số 3 (WIPHA).

Mưa lớn gây ngập úng một số diện tích lúa của xã Đồng Châu (Hưng Yên). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (đặc biệt các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung theo Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 5414/CĐ-BCT và Công điện số 5418/CĐ-BCT ngày 21/7/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm cung cấp điện trước, trong và sau bão số 3.
Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn triển khai việc bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố. Thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm tra các hạng mục thiết bị, máy móc phục vụ vận hành an toàn công trình đập trong mọi tình huống. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời cho người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ, nhất là tình huống xả lũ khẩn cấp theo quy trình được duyệt.
Mặt khác, chỉ đạo doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng rà soát tất cả khu vực đang bị lũ chia cắt và khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để kịp thời có phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu. Tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các công trình công nghiệp, nhất là công trình thủy điện, khai thác khoáng sản đang thi công xây dựng tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất phải dừng ngay việc thi công trong thời gian bão đi qua, có phương án di dời người lao động và máy móc, thiết bị, vật tư đến nơi an toàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ việc ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng thiên tai để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính, nhất là tôn, tấm lợp, vật liệu xây dựng, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện số 5414/CĐ-BCT và Công điện số 5418/CĐ-BCT ngày 21/7/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm cung cấp điện trước, trong và sau bão số 3.
Lập các phương án vận hành hệ thống điện quốc gia và phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc vận hành hệ thống điện quốc gia trong toàn bộ thời gian trước, trong và sau bão số 3, trên cơ sở bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy cho việcphòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão cũng như sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Huy động hợp lý nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia nói chung và khu vực ảnh hưởng của bão số 3 nói riêng, bảo đảm cung ứng đủ điện và có dự phòng, kịp thời ứng phó với tình huống bất thường. Chỉ huy vận hành an toàn, ổn định và tin cậy hệ thống điện quốc gia, lưới điện truyền tải 500 - 220kV liên kết vùng, miền để bảo đảm cung cấp điện; chủ động giảm công suất truyền tải trên các đường dây thuộc vùng bão đi qua để giảm thiểu ảnh hưởng khi xảy ra sự cố.
Chuẩn bị phương án vận hành ứng phó với tình huống mất thông tin liên lạc điện thoại trực thông, bưu điện giữa NSMO và trạm điện, nhà máy điện trong vùng ảnh hưởng của bão. Thường xuyên theo dõi tình hình thủy văn, chủ động báo cáo và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, UBND các tỉnh có hồ thủy điện để xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước hồ thủy điện theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm an toàn công trình, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hợp lý.
Bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị; tăng cường lực lượng trực vận hành gồm kỹ sư, lãnh đạo các phòng chuyên môn và cơ quan NSMO và chi nhánh để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 5414/CĐ-BCT và Công điện số 5418/CĐ-BCT ngày 21/7/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm cung cấp điện trước, trong và sau bão số 3.
Chỉ đạo các chủ đập thủy điện thuộc phạm vi quản lý triển khai tốt việc bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường kiểm tra hạng mục thiết bị, máy móc phục vụ vận hành an toàn công trình đập trong mọi tình huống; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời cho người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ, nhất là tình huống xả lũ khẩn cấp theo quy trình được duyệt.
Cùng đó, chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện và đơn vị phát điện trực thuộc phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) để đảm bảo cung cấp đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện. Kiểm tra, củng cố thiết bị của nhà máy điện, đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện và sẵn sàng đáp ứng theo phương thức vận hành của các cấp điều độ.
Chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Công Thương tại địa phương có biện pháp đảm bảo vận hành an toàn hành lang lưới điện. Khẩn trương khắc phục nhanh nhất các sự cố điện để có thể cung cấp điện cho các hoạt động phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả sau bão.
Chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng công ty Phát điện, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Vận hành an toàn, ổn định và tin cậy lưới điện thuộc phạm vi quản lý để bảo đảm cung cấp điện. Tăng cường thực hiện chế độ trực vận hành để kịp thời xử lý sự cố có thể xảy ra nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục. Tổ chức tái lập trực ca vận hành tại chỗ tại trạm biến áp vận hành không người trực trong trường hợp cần thiết.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tăng cường kiểm tra, chỉ đạo ngay các cơ sở khai thác than - khoáng sản thuộc phạm vi quản lý, nhất là đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ động kiểm tra an toàn, phòng, chống sụt lở đất, ngập lụt tại các mỏ; bãi đất đá thải, hồ thải quặng đuôi để kịp thời xử lý các hư hỏng (nếu có)...
Khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị ứng phó bão tại các điểm khai thác hầm lò, lộ thiên, các bãi thải xung yếu... Chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình và khu dân cư lân cận, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ lớn. Các tập đoàn, tổng công ty khác trong ngành triển khai ngay việc kiểm tra các đơn vị và chỉ đạo các đơn vị tự kiểm tra về đảm bảo an toàn và phòng, chống thiên tai với các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý, nhất là những công trình đang thi công xây dựng tại địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp.
Chỉ đạo đơn vị thuộc phạm vi quản lý huy động tối đa nguồn lực, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo về thời tiết, mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn. Tăng cường nhận thức và kỹ năng cho người lao động về biện pháp đảm bảo an toàn, ứng phó với bão và hoàn lưu bão gây ra.
Các chủ đập thủy điện nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhất là khi xuất hiện tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo. Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, thiết bị, hạng mục vận hành xả lũ, nhận nước, hệ thống cảnh báo xả lũ khu vực hạ du… và khắc phục kịp thời khiếm khuyết (nếu có).
Triển khai thực hiện phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, nhất là các trọng điểm xung yếu, sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục...Các đơn vị khai thác khoáng sản kiểm tra, rà soát các bãi thải, khu mỏ, kho chứa, hệ thống đê chắn bãi thải, hệ thống đập hồ chứa bùn thải quặng đuôi... nhằm phát hiện những hỏng hóc, khiếm khuyết có nguy cơ mất an toàn để chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu dân cư lân cận, nhất là xảy ra mưa lũ lớn; thực hiện khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước phòng ngừa ngập úng.
Triển khai rà soát kỹ lưỡng các sườn địa hình đồi, sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, bãi, công trình gần sườn dốc... để sớm phát hiện nguy cơ sạt lở đất và chuẩn bị các phương án, biện pháp ứng phó kịp thời. Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng và các phương tiện, vật tư đảm bảo sẵn sàng hoạt động ứng phó với mọi tình huống.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và triển khai ứng phó với thiên tai của các đơn vị; cập nhật thông tin ứng phó với thiên tai, tình hình thiệt hại và khắc phục của các đơn vị ngành, báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định. Chỉ đạo các đơn vị ứng phó với thiên tai theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo, điều hành tình huống vượt thẩm quyền.