Bộ Công Thương sẽ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống lưới điện
Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Kỹ thuật điện - Hệ thống lưới điện, nhằm đồng bộ hóa hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng công trình và đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Trong bối cảnh ngành điện Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, hướng tới phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc ban hành QCVN về hệ thống lưới điện là bước đi cần thiết, kịp thời để cập nhật các yêu cầu kỹ thuật mới và bắt kịp xu thế toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, QCVN này sẽ thay thế và cập nhật các quy định hiện hành, đặc biệt là Quy phạm trang bị điện được ban hành từ năm 2006 theo Quyết định 19/2006/QĐ-BCN. Sau gần hai thập kỷ, hệ thống này đã bộc lộ nhiều bất cập trước sự phát triển nhanh của công nghệ, quy mô hệ thống điện, cơ cấu phụ tải và yêu cầu hội nhập tiêu chuẩn quốc tế.

Ảnh minh họa
Hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới áp dụng hệ thống tiêu chuẩn IEC có tính đồng bộ cao. Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trên cơ sở tiếp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn IEC. Do đó, việc xây dựng một QCVN riêng là cần thiết nhằm thống nhất quản lý nhà nước, đồng bộ với Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Xây dựng và các văn bản chuyên ngành khác.
Dự thảo Thông tư và QCVN do Bộ Công Thương xây dựng sẽ cụ thể hóa Luật Điện lực số 61/2024/QH15 (có hiệu lực từ 1/2/2025) và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về đảm bảo an toàn vận hành và phát triển hệ thống điện quốc gia.
Theo đó, QCVN sẽ điều chỉnh toàn diện các hoạt động thiết kế, xây dựng, lắp đặt, cải tạo và vận hành hệ thống lưới điện xoay chiều đến cấp điện áp 500 kV. Đồng thời, quy chuẩn này sẽ không tập trung vào quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 mà đưa ra các nguyên tắc an toàn kỹ thuật trong toàn bộ vòng đời công trình lưới điện, từ thiết kế đến vận hành.
Dự thảo QCVN gồm năm phần chính: Quy định chung; Quy định kỹ thuật hệ dẫn điện; Thiết bị phân phối và trạm biến áp; Hệ thống điều khiển, bảo vệ, đo lường; Quy định quản lý, cùng các phụ lục chi tiết. QCVN được xây dựng theo hướng đảm bảo tính khoa học, hội nhập, thực tiễn và khả thi. Nội dung dự thảo được tham khảo từ tiêu chuẩn IEC, TCVN hiện hành, kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cũng như ý kiến đóng góp từ EVN, Viện Năng lượng và các đơn vị liên quan.
Bộ Công Thương khẳng định, việc ban hành QCVN về hệ thống lưới điện có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, tích hợp hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo và vận hành hệ thống điện một cách linh hoạt, ổn định.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, QCVN còn được kỳ vọng trở thành nền tảng thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh, khuyến khích đổi mới công nghệ và đóng góp vào mục tiêu trung hòa phát thải (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.
Việc thiết lập hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn rõ ràng, đồng bộ ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp giảm rủi ro kỹ thuật, kéo dài tuổi thọ công trình, giảm chi phí vận hành, bảo trì và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong lĩnh vực điện lực.