Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa quy định danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn

Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2022/TT-BGTVT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.

Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng và lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2022/TT-BGTVT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo sửa đổi quy định về nguyên tắc quản lý, Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm nhóm 2)… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, các sản phẩm, hàng hóa này.

Về sự cần thiết phải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2022/TT-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã phân loại xe đạp điện và xe đạp máy thuộc nhóm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ và đã định nghĩa lại khái niệm về xe đạp điện khác với khái niệm về xe đạp điện được nêu tại Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện (QCVN 68:2013/BGTVT).

Mặt khác, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 chỉ giao Bộ Giao thông vận tải ban hành: quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tiêu thụ năng lượng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 không giao Bộ Giao thông vận tải ban hành trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe thô sơ nên nếu không bãi bỏ xe đạp điện và phụ tùng xe đạp điện ra khỏi Danh mục của Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT thì sẽ không có thủ tục để thực hiện việc chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe đạp điện và phải xây dựng lại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xe đạp điện và phụ tùng của xe đạp điện (việc xây dựng lại các quy chuẩn này không đơn giản vì loại xe đạp điện được định nghĩa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 tương đương với loại pedal cycle được sử dụng tại châu Âu và loại xe này được châu Âu phân loại và quản lý như xe đạp thông thường).

Một vấn đề khác phát sinh là vào ngày 08/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2022/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 30/12/2022, trong đó có quy định mã HS và các chú giải cho các hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Sau khi rà soát, đối chiếu giữa Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 12/2022/TTBGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy cần thiết phải bổ sung, sửa đổi mã HS của một số hàng hóa trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT để phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC, cụ thể là các mã HS của ô tô đầu kéo, lốp hơi của ô tô, kính an toàn của ô tô.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất đưa xe đạp điện và phụ tùng xe đạp điện ra khỏi danh mục của Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT. Ảnh: Gia Hưng

Bộ Giao thông vận tải đề xuất đưa xe đạp điện và phụ tùng xe đạp điện ra khỏi danh mục của Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT. Ảnh: Gia Hưng

Hiện nay, trong quá trình thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 của Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo quy định này thì “Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu quy định tại mục E Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phục vụ thay thế, bảo hành có số lượng dưới 100 sản phẩm, hàng hóa cùng kiểu loại trong một lô hàng thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu được công bố hợp quy trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp hoặc được chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu”.

Tuy nhiên, để tổ chức, cá nhân nhập khẩu được công bố hợp quy trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải cung cấp “Kết quả thử nghiệm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của tổ chức thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng”. Quy định này được hiểu là tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thử nghiệm mẫu.

Bên cạnh đó, Điều 8 của Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN về quản lý chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu có số lượng ít quy định:

“1. Hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu có số lượng ít, không đủ để lấy mẫu thử nghiệm theo quy định hoặc chi phí thử nghiệm được xác định thông qua 03 báo giá của tổ chức thử nghiệm cho thấy lớn hơn số với giá trị của lô hàng nhập khẩu, căn cứ nhu cầu quản lý và yêu cầu đối với từng loại hàng hóa, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định cụ thể biện pháp quản lý tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

2. Trường hợp chưa có quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.”

Vì vậy, để có căn cứ giải quyết vướng mắc nêu trên, cần phải bổ sung, sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT để giải quyết các vướng mắc đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu quy định tại mục E Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phục vụ thay thế, bảo hành có số lượng ít.

Thêm vào đó, ngày 05/7/2024, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có Công văn số 29/KL-KTrVB về việc kết luận kiểm tra Thông tư số 12/2022/TTBGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong đó kết luận khoản 3 Điều 3 của Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT là nội dung trái pháp luật (chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 127/2007/NĐ-CP) và kiến nghị xử lý là “Khẩn trương xử lý nội dung trái pháp luật của Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT đã nêu tại Mục 1 Kết luận này”.

Do đó, để thực hiện theo kiến nghị của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, cần phải bãi bỏ khoản 3 Điều 3 của Thông tư số 12/2022/TTBGTVT và sửa đổi, bổ sung các nội dung khác có liên quan cho phù hợp.

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc sửa đổi Thông tư 12/2022/TT-BGTVT còn góp phần cắt giảm 02 nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực đường sắt (bao gồm: kính an toàn; bộ đèn chiếu sáng phía trước đầu máy; lò xo thuộc hệ treo của giá chuyển hướng và thiết bị ghi tốc độ và dữ liệu đoàn tàu; thiết bị cảnh báo lái tàu).

Nhóm sản phẩm này có số lượng nhập khẩu ít, hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật riêng và sẽ được kiểm tra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện khi lắp ráp do đó các sản phẩm này đã loại bỏ khỏi danh mục thuộc đối tượng kiểm tra cấp giấy chứng nhận tại Thông tư số 01/2024/TT-BGTVT ngày 26/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Vì vậy, cắt giảm 02 nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực đường sắt ra khỏi danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa, Luật Đường sắt và Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

Việc sửa đổi Thông tư 12/2022/TT-BGTVT còn giúp cắt giảm 36 nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực sản phẩm công nghiệp dùng trong giao thông vận tải và phương tiện thăm dò khai thác trên biển. Lý do là Danh mục sản phẩm, hàng hóa là công-te-nơ, máy, vật liệu, trang thiết bị chuyên ngành sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải và công trình, khai thác dầu khí trên biển trong Thông tư 12/2022/TT-BGTVT được thực hiện kiểm tra theo các quy định và thủ tục hành chính được quy định tại Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các Nghị định liên quan. Tuy nhiên, Danh mục sản phẩm, hàng hóa trên đã được quy định và tuân theo thủ tục hành chính của các Luật chuyên ngành. Vì vậy cần cắt giảm Danh mục sản phẩm, hàng hóa trên để tránh chồng chéo về quy định và thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Việc sửa đổi Thông tư 12/2022/TT-BGTVT cũng nhằm bổ sung, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới vào các phụ lục của dự thảo Thông tư số.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-giao-thong-van-tai-de-xuat-sua-quy-dinh-danh-muc-hang-hoa-co-kha-nang-gay-mat-an-toan-360070.html