Bộ GTVT: Cần có biện pháp giảm độ mặn cát biển khi sử dụng đắp nền đường

Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh, thành và chủ đầu tư khi thực hiện lấy cát biển cần có biện pháp xử lý để giảm độ mặn cát biển.

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành và chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉ dẫn kiểm soát chặt chẽ độ mặn trong quá trình dùng cát biển đắp nền đường.

Cụ thể đó là các chỉ dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển làm dự án giao thông, để áp dụng khi sử dụng cát nhiễm mặn.

Cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho biết kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978, dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau và kết quả thí nghiệm cát khai thác tại mỏ khu vực tỉnh Sóc Trăng cho thấy cát nhiễm mặn đáp ứng các tiêu chuẩn về vật liệu để thi công tại các dự án, khu vực có môi trường đã nhiễm mặn.

 Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh tùy vào điều kiện khu vực để thực hiện giảm độ mặn cát biển. Ảnh: C.ANH

Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh tùy vào điều kiện khu vực để thực hiện giảm độ mặn cát biển. Ảnh: C.ANH

Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang tiếp tục tổ chức thí điểm mở rộng trên đoạn tuyến chính của dự án từ Km81+000 - Km126+223 (đi qua địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) và đoạn tuyến nối từ Km 6+522 (nút giao đường Võ Văn Kiệt) đến Km16+510 (Nút giao với quốc lộ 1) thuộc dự án Hậu Giang – Cà Mau. Đây là khu vực có môi trường đã nhiễm mặn cao hơn độ mặn của cát nhiễm mặn khi đưa về công trình.

Đối với các khu vực có điều kiện môi trường khác, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư căn cứ vào kết quả thí nghiệm của cát nhiễm mặn tại mỏ dự kiến khai thác, cần có biện pháp xử lý cát nhiễm mặn (nếu cần thiết) để giảm độ mặn.

Quy trình giảm độ mặn cát biển có thể qua các lần hút thổi, sang mạn cát từ tàu hút cát sang xà lan vận chuyển, bơm lên bãi tập kết và các giải pháp khác…

Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT lưu ý các chủ đầu tư tổ chức khảo sát, xác định và quyết định phạm vi thi công sử dụng cát nhiễm mặn; phê duyệt đề cương quan trắc môi trường và lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện; phê duyệt chỉ dẫn kỹ thuật thi công - nghiệm thu, tổ chức xác định dự toán và khảo sát định mức.

“Thêm vào đó, các chủ đầu tư phải kiểm soát chặt chẽ độ mặn trước và trong suốt quá trình thi công, bố trí hệ thống thoát nước để dẫn nước từ bãi tập kết, phạm vi thi công nền đường về khu vực phù hợp. Song song đó, thực hiện đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu của các tiêu chuẩn hiện hành về thi công, nghiệm thu…”- Bộ GTVT yêu cầu.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương có thể triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án, nếu khan hiếm cát sông.

Nhưng bộ này lưu ý vùng triển khai phải có điều kiện môi trường tương tự dự án thí điểm, đồng thời xem xét áp dụng các tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây trồng, đất nông nghiệp, nước nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gtvt-can-co-bien-phap-giam-do-man-cat-bien-khi-su-dung-dap-nen-duong-post801139.html