Bộ Nông nghiệp và Môi trường ra công điện về việc ứng phó với bão Wipha

Sáng ngày 19/7, cơn bão Wipha đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 với cường độ mạnh, có khả năng gây mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ trong những ngày tới. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ra công điện về việc phòng chống ảnh hưởng của bão.

Triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó

Đối với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk, để chủ động ứng phó với bão và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão cũng như quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để có những biện pháp chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm cũng như về nơi tránh trú an toàn. Dự báo vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới từ 18-23 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.

Dự báo vị trí và đường đi của bão WIPHA - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Dự báo vị trí và đường đi của bão WIPHA - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk triển khai các công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, các điểm nuôi trồng thủy sản và các công trình trên biển, đảo, khu vực ven biển.

Từ đó, các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình cụ thể để chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, đảo để đảm bảo an toàn.

Đảm bảo an toàn tại vùng núi và khu vực trọng điểm

Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi có mật độ dân cư cao và hệ thống hạ tầng tập trung, công điện yêu cầu các tỉnh rà soát để sẵn sàng sơ tán người dân khỏi nơi ở không đảm bảo an toàn và các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, cửa sông, ven biển… Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Đồng thời, sẵn sàng phương án tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ diện tích lúa và hoa màu, đặc biệt là những vùng mới gieo cấy.

Tại khu vực miền núi, lực lượng chức năng cần tổ chức kiểm tra, rà soát những khu dân cư ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn. Bộ cũng yêu cầu chuẩn bị sẵn phương án cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo hậu cần cho các khu vực có thể bị cô lập do thiên tai.

Để giảm thiểu thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo việc tổ chức chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, gia cố công trình đang thi công, đảm bảo an toàn hệ thống điện, viễn thông. Đồng thời, cần chủ động tổ chức thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Tăng cường phối hợp và thông tin truyền thông

Để người dân cập nhật kịp thời diễn biến của bão Wipha, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cơ quan truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... được giao nhiệm vụ tăng cường cập nhật tin tức, phổ biến kịp thời diễn biến mưa bão, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu rủi ro.

Bộ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng chống, đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Đức Bách

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bo-nong-nghiep-va-moi-truong-ra-cong-dien-ve-viec-ung-pho-voi-bao-wipha-100464.html