Bộ thẻ điểm VNCG50 sẽ cải thiện điểm số quản trị công ty niêm yết
Với việc lần đầu tiên công bố Bộ thẻ điểm VNCG50 tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 7 diễn ra vào 5.12 tới, sau đó được nâng cấp thành bộ chỉ số, sẽ giúp cải thiện chất lượng quản trị công ty niêm yết, thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam với khu vực.
Trao đổi với báo chí sáng 29.11, Chủ tịch Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) Hà Thu Thanh cho biết, Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 7 sẽ diễn ra ngày 5.12 tới, tại TP. Hồ Chí Minh.
Diễn đàn do VIOD tổ chức, với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và sự đồng hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Đầu tư vào quản trị công ty: Chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế quốc tế hóa thị trường”, nhằm hướng đến thúc đẩy thị trường tài chính - chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025.
Theo Ban tổ chức, năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam. Khi các yêu cầu về quản trị công ty ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào quản trị hiệu quả gắn với ESG (môi trường, xã hội, quản trị) không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng.
Hiện, các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi quản trị công ty gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội. Quản trị công ty được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp.
Tuy vậy, mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN, thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty Đông Nam Á (ACGS). Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 (Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29.12.2023) đặt mục tiêu đến 2030, nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực ASEAN. Điều này đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc thu hút vốn đầu tư của các quỹ đầu tư quốc tế, mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho chính thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Bối cảnh đó đang đặt ra cho các các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra cách thức để nâng cao chất lượng quản trị công ty, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút nguồn vốn đầu tư xanh đến từ các nhà đầu tư có trách nhiệm, đồng thời rút ngắn khoảng cách về mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á.
Diễn đàn năm nay sẽ đi sâu hơn vào chủ đề "Đầu tư vào quản trị công ty", được xem như là một hình thức đầu tư chiến lược để kiến tạo niềm tin cho hiện tại và tương lai, giúp doanh nghiệp bắt nhịp với quốc tế hóa, có được sự tham gia sâu và rộng hơn của các nhà đầu tư quốc tế.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu sẽ cùng thảo luận, làm rõ về bức tranh triển vọng kinh tế toàn cầu 2025 - con đường tăng trưởng và phát triển bền vững cho Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa; vai trò của quản trị công ty trong việc thu hút đầu tư quốc tế và vì sao cần đầu tư vào quản trị công ty; cách gia tăng giá trị và sức hấp dẫn đối với các khoản tín dụng xanh…
Đặc biệt, nhân sự kiện, VIOD sẽ lần đầu tiên công bố sáng kiến VNCG50. Tổng giám đốc điều hành VIOD Phan Lê Thành Long cho biết, đây là bộ tiêu chí đánh giá thực hành quản trị công ty dành cho các doanh nghiệp niêm yết, chủ yếu dựa trên các thông lệ tốt trong khu vực (chỉ số đánh giá của ACGS), từ đó giúp đề cử 50 doanh nghiệp tiên phong và cam kết bảo đảm các thực hành quản trị công ty theo thông lệ tốt.
Thẻ điểm VNCG50 sẽ giúp thu hẹp khoảng cách thực hành quản trị công ty doanh nghiệp niêm yết giữa Việt Nam với khu vực, ông Long tin tưởng.
Lý giải rõ hơn về việc vì sao chọn VNCG50 mà không phải con số khác, Tổng giám đốc điều hành VIOD cho biết, theo quy định, Việt Nam cần chọn 100 doanh nghiệp để đánh giá ACGS, song năm nay chỉ chọn được 69 doanh nghiệp. Lý do bởi yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin, đặc biệt là báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, song không phải 100% doanh nghiệp đáp ứng, thậm chí có doanh nghiệp dù công bố thông tin bằng tiếng Anh nhưng chất lượng quản trị còn thấp. Do vậy, nếu đưa cả những doanh nghiệp này vào đánh giá thì điểm bình quân của Việt Nam sẽ thấp.
Ngược lại, nếu chọn dưới 50 doanh nghiệp cho Bộ thẻ điểm VNCG thì sẽ không đủ số lượng để có thể hướng đến mục tiêu nâng điểm ACGS bình quân của Việt Nam lên mức trung bình khối ASEAN. Sau khi khi phân tích số liệu, kết quả chấm điểm của ACGS, hội đồng VNCG đã thống nhất chọn con số 50.
Dự kiến, năm 2025 sẽ nâng cấp VNCG50 thành Bộ chỉ số. Khi đó, những doanh nghiệp nằm trong danh sách này sẽ có lợi ích rất lớn trong thu hút đầu tư, có động lực để cải thiện quản trị công ty. Mục tiêu đến 2026 sẽ nâng điểm ACGS của Việt Nam lên mức trung bình, ông Long thông tin.