Bộ tộc Sharchop ở quốc gia nhỏ bé Bhutan

Nằm ở sườn Đông của dãy Himalaya giữa Khu tự trị Tây Tạng (miền Tây Nam Trung Quốc), Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan - một quốc gia nhỏ bé đang nổi lên như một kho báu của châu Á. Sinh sống tại đất nước xinh đẹp này, bộ tộc Sharchop là những người di cư đến Bhutan sớm nhất. Người Sharchop có nguồn gốc từ Ấn Độ; định cư tại Nam Á, Đông Nam Á và ở phía Đông Bhutan.

Phụ nữ và trẻ em Sharchop. Ảnh: Go Bhutan

Phụ nữ và trẻ em Sharchop. Ảnh: Go Bhutan

Theo số liệu thống kê mới nhất, dân số của bộ tộc Sharchop chiếm khoảng 30% tổng dân số của Bhutan, trở thành nhóm bộ tộc có dân số lớn nhất tại Bhutan. Hầu hết người Sharchop nói tiếng Tshangla - đây là ngôn ngữ có nguồn gốc Hán, có cấu trúc gần giống với ngôn ngữ của Tây Tạng. Người Sharchop cũng nói tiếng Dzongkha - ngôn ngữ chính thức của Bhutan.

Trước đây, bộ tộc Sharchop làm nông nghiệp theo phương thức đốt nương làm rẫy, đốt thực bì để trồng lúa cạn trong 3 đến 4 năm cho đến khi đất bạc màu rồi chuyển đến nơi ở mới. Đến năm 1969, người Sharchop dừng phương thức canh tác đốt nương và chuyển sang phương thức định cư lâu dài tại một khu vực và chăn nuôi gia súc như dê và lợn.

Phần lớn người Sharchop theo đạo Phật và chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, một số người Sharchop hiện nay theo đạo Hindu. Người Sharchop sống rải rác dọc theo các sườn núi và xây nhà từ các vật liệu như đá và gỗ. Người Sharchop thường nuôi giống bò lai có tên gọi là “mithun” và coi là của cải có giá trị, dùng để trao đổi hàng hóa và làm vật hiến tế trong các nghi lễ tôn giáo. Gạo và ngô là loại ngũ cốc chính được người Sharchop tiêu thụ hằng ngày. Bữa ăn của người Sharchop còn có thịt gia cầm và thịt bò. Súp thịt, rau khô, ớt, phô mai là các món ăn được người Sharchop sử dụng nhiều trong mùa lạnh. Các loại thực phẩm từ sữa, đặc biệt là bơ và phô mai cũng là những món phổ biến được người Sharchop ưa chuộng. Đồ uống phổ biến bao gồm trà bơ, trà, rượu gạo tự nấu và bia.

Trang phục truyền thống của đàn ông Sharchop là áo choàng dài đến đầu gối và thắt lưng vải có tên gọi “kera”. Phụ nữ Sharchop thường mặc váy dài đến mắt cá chân có tên gọi “kira”; váy thiết kế hở một bên vai và thắt eo. Đi kèm với váy “kira” là áo choàng ngắn dài tay được gọi là “toego”. Địa vị xã hội trong bộ tộc Sharchop sẽ quyết định kết cấu, màu sắc và phụ kiện kèm theo của quần áo. Khăn quàng cổ và khăn choàng cũng là những phụ kiện cho thấy địa vị xã hội của một người trong bộ tộc Sharchop

Giống như người Tây Tạng, người Sharchop thường dựng những cột cờ cầu nguyện đầy màu sắc bên cạnh ngôi nhà của họ; trên những lá cờ họ sẽ viết một số dòng chữ thiêng liêng và biểu tượng tốt lành. Những lá cờ hình chữ nhật có 5 màu sắc khác nhau tượng trưng cho 5 yếu tố tự nhiên: Đỏ tượng trưng cho lửa, vàng tượng trưng cho đất, xanh lam tượng trưng cho không gian, trắng tượng trưng cho không khí và xanh lá cây tượng trưng cho nước. Các màu cờ cũng đại diện cho các hướng Bắc, Nam, Đông, Tây và Trung tâm.

Người Sharchop tin rằng những lá cờ cầu nguyện này sẽ mang lại hạnh phúc và thịnh vượng cho con người. Theo người Sharchop, các lá cờ được dựng lên cao để có thể bay phấp phới trong gió, nhờ đó sẽ tạo ra những năng lượng tích cực và lời cầu nguyện trong những lá cờ sẽ được gió mang theo. Người Sharchop cũng quan niệm, cần tập hợp gia đình cùng treo các lá cờ để cùng tạo thêm may mắn cho cuộc sống.

Ngoài cờ cầu nguyện, người Sharchop còn có các vòng quay cầu nguyện. Vòng quay có hình trụ và có một trục chính làm từ kim loại, gỗ, đá, da thuộc hoặc sợi bông thô. Tuy nhiên, các vòng quay chỉ được lưu giữ trong các tu viện. Người Sharchop tin rằng khi quay vòng quay cầu nguyện theo chiều kim đồng hồ, vòng quay sẽ tạo ra các câu thần chú để hóa giải nghiệp xấu của con người.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-toc-sharchop-o-quoc-gia-nho-be-bhutan-post446469.html