Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nâng cao trách nhiệm các cơ quan trong quản lý tài sản công

Sáng 6/11, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề quản lý tài sản công. Tất cả các vấn đề đại biểu nêu đã được người đứng đầu ngành Tài chính trả lời chi tiết, thực tế, với các giải pháp rõ ràng.

Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho biết, cử tri ghi nhận việc thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74. Bên cạnh đó, còn có băn khoăn việc chậm ban hành nghị định của Chính phủ để thi hành nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết này, cũng như việc lãng phí trong sử dụng tài sản công.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và sau đó trình Thủ tướng Chính phủ. Tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chương trình này không chỉ thực hiện cho năm nay mà còn được thực hiện cho các năm tiếp theo.

Do liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, lấy ý kiến nhiều nơi nên có phần chậm so với quy định, Bộ trưởng giải thích và nêu rõ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 74 cơ bản là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan đang quản lý tài sản công ở tất cả các cấp, địa bàn.

Về phía Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan tổng hợp và quản lý nhà nước về tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công và từ đó đảm bảo quản lý hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Cũng liên quan đến tài sản công, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) phản ánh một số vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai còn chưa đầy đủ, đồng bộ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu giải pháp khắc phục.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản công được ban hành năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn về tài sản công.

Về việc mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công, Bộ trưởng cho biết Luật Quản lý tài sản công chưa có hình thức này nên vừa qua chúng ta chưa xử lý được. Quốc hội là cơ quan ban hành luật, nên thẩm quyền vấn đề này thuộc về Quốc hội, có thể Quốc hội xem xét việc ban hành một nghị quyết về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công.

Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa Luật Quản lý tài sản công bởi còn một số vấn đề chưa được bao quát hết, như chưa có hình thức mua lại tài sản tư thành tài sản công. Đơn cử như việc có một số trạm BOT đã được phê duyệt nhưng khi triển khai, do thay đổi quy hoạch nên không sử dụng được. Khi đó Nhà nước có thể mua lại của tư nhân để quản lý lâu dài. Bên cạnh đó, trước mắt Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ sửa nhiều nội dung về quản lý tài sản công tại các Nghị định 151, Nghị định 167.

Ba khó khăn chính khi sắp xếp trụ sở công

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho biết, thời gian qua, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ về tình trạng này và giải pháp khắc phục.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nêu câu hỏi chất vấn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời đại biểu một lần nữa nhấn mạnh, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của UBND các địa phương. Đối với tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu cho Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành.

Về sắp xếp đơn vị hành chính, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Hiện nay, đã xử lý được khoảng 90% số tài sản công này, còn lại 10%, với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Phân tích về nguyên nhân, Bộ trưởng nêu 3 vấn đề chính. Một là khi chuyển tài sản công thì các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau nên không có nhu cầu. Hai là khi muốn định giá để bán tài sản công thì khó tìm được cơ quan định giá, hơn nữa thị trường trầm lắng cũng khiến việc bán tài sản công khó hơn. Thứ ba, để chuyển tài sản công sang sử dụng cho mục đích khác thì các cơ sở này phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch cũng như làm một loạt các thủ tục khác.

Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc việc này. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Cụ thể hóa trách nhiệm đến từng người quản lý tài sản

Trong phần trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về trách nhiệm quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác này thuộc thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp, trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thủ trưởng của các đơn vị quản lý tài sản công, nếu mất mát thì trách nhiệm là ở cơ quan quản lý tài sản đó. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vấn đề cần thực hiện hiện nay là tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-nang-cao-trach-nhiem-cac-co-quan-trong-quan-ly-tai-san-cong-138934.html