Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát công điện khẩn ứng phó bão số 3 đổ bộ
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 – WIPHA, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát đi công điện khẩn yêu cầu toàn ngành tăng cường ứng phó, đặc biệt tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa...

Lực lượng cứu hộ khẩn trương tìm kiếm nạn nhân vụ lật tàu tại Quảng Ninh ngày 19/7.
Ngày 19/7/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL, yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các đơn vị trực thuộc Bộ tại 22 tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông trực thuộc ngành chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 3 năm 2025.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 19/7, bão WIPHA chính thức đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025. Cơn bão hiện có cường độ cấp 10, giật cấp 12, dự kiến sẽ mạnh lên cấp 12, giật cấp 15, gây gió mạnh và mưa lớn từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa trong các ngày 21-22/7. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng là rất cao.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu toàn ngành tập trung cao độ để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân và tài sản thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong công điện, Bộ yêu cầu các sở địa phương cần rà soát toàn bộ cơ sở lưu trú du lịch, khu – điểm du lịch, đặc biệt là khu vực ven biển, đảo, vùng có nguy cơ sạt lở hoặc lũ quét. Việc tổ chức di dời, sơ tán khách du lịch đến nơi an toàn cần được thực hiện khẩn trương và có phương án cụ thể.
Đồng thời, các đơn vị cần phối hợp với lực lượng chức năng kiểm đếm, thông tin kịp thời tới các tàu thuyền du lịch hoạt động trên biển, yêu cầu không đi vào vùng nguy hiểm hoặc nhanh chóng di chuyển đến nơi trú tránh bão an toàn.
Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, giải trí, tổ chức sự kiện văn hóa thể thao có thể bị tạm dừng tùy theo tình hình thời tiết thực tế tại địa phương.
Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và thiết chế văn hóa - thể thao được yêu cầu kiểm tra, gia cố để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. Những công trình đang xây dựng cần được kiểm soát kỹ lưỡng, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư để khắc phục hậu quả nếu có thiệt hại do bão gây ra.
Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã được chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với hệ thống báo chí, truyền thông toàn quốc, cập nhật liên tục về diễn biến bão, cảnh báo nguy cơ và hướng dẫn người dân ứng phó.
Tuyên truyền phòng chống lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh sau mưa lũ cũng là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang...
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tại địa phương được yêu cầu theo dõi sát diễn biến bão, đảm bảo an toàn cho nhân lực, tài sản và các hoạt động tổ chức, đồng thời khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hạn chế ra đường trong thời điểm mưa bão nguy hiểm.
Toàn ngành tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch những diễn biến liên quan đến ứng phó bão và các thiệt hại nếu phát sinh trong hoặc sau khi bão đổ bộ.