Bom phá boongke Mỹ từng khiến Iran chịu trận, người Trung Quốc nêu cách đánh chặn

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang thử nghiệm những biện pháp nhằm tấn công vào điểm yếu của bom phá boongke khổng lồ Mỹ bằng đạn pháo phòng không.

Bom phá boongke dẫn đường chính xác, tuy bay chậm nhưng mang đầu đạn khổng lồ được bọc giáp dày. Các quốc gia nhỏ không có sức mạnh không quân thường chỉ biết đứng nhìn bất lực khi loại bom này rơi.

Khi máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân ở Iran bằng bom phá boongke GBU-57 MOP (Massive Ordnance Penetrator) vào ngày 22.6 vừa qua thì gần như không gặp phải sự kháng cự nào.

Video: WSJ

1. Boongke là công trình kiên cố, thường được xây dựng dưới lòng đất hoặc được bao bọc bởi các vật liệu chắc chắn như bê tông cốt thép, đất, đá để bảo vệ người, thiết bị hoặc vật tư khỏi các cuộc tấn công của kẻ thù. Nó có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm:

Quân sự: Để bảo vệ binh lính, sở chỉ huy, kho vũ khí, hoặc làm nơi trú ẩn khỏi bom đạn, pháo kích, vũ khí hóa học/sinh học/hạt nhân.

Dân sự: Là nơi trú ẩn cho dân thường trong trường hợp chiến tranh, thảm họa tự nhiên hoặc các tình huống khẩn cấp khác.

Lưu trữ: Để bảo vệ các vật liệu nhạy cảm hoặc nguy hiểm như nhiên liệu, hóa chất hoặc các tài liệu quan trọng.

Đặc điểm chung của boongke là khả năng chống chịu cao với các tác động bên ngoài, thường có hệ thống thông gió, lọc không khí và dự trữ lương thực, nước uống để duy trì sự sống trong thời gian dài.

2. Bom phá boongke là loại bom đặc biệt được thiết kế để xuyên qua các công trình kiên cố dưới lòng đất, chẳng hạn hầm trú ẩn, boongke quân sự, hầm chứa vũ khí hạt nhân hoặc cơ sở chỉ huy, trước khi phát nổ nhằm tiêu diệt mục tiêu bên trong.

Cơ chế hoạt động

Điểm khác biệt chính của bom xuyên boongke so với các loại bom thông thường nằm ở cấu tạo và nguyên lý hoạt động.

Đầu xuyên cứng chắc: Thay vì nổ ngay khi va chạm, bom xuyên boongke có một đầu nhọn, cực kỳ chắc chắn, thường làm bằng vật liệu mật độ cao như thép hợp kim cường độ cao hoặc uranium nghèo. Phần đầu này giúp bom xuyên sâu qua nhiều lớp vật liệu như bê tông, thép, đất đá.

Trì hoãn nổ: Sau khi xuyên thủng được lớp bảo vệ bên ngoài và đi sâu vào bên trong mục tiêu, ngòi nổ sẽ được kích hoạt để quả bom phát nổ. Việc này đảm bảo rằng sức công phá của bom được giải phóng ngay tại trung tâm mục tiêu, gây thiệt hại tối đa cho công trình và những gì bên trong.

Khối lượng lớn và tốc độ cao: Để tăng cường khả năng xuyên phá, những quả bom này thường có khối lượng rất nặng và được thả từ độ cao lớn để đạt được tốc độ cao khi va chạm, tạo ra động năng cần thiết để xuyên thủng các lớp bảo vệ dày.

Mục tiêu chính

Các mục tiêu mà bom phá boongke hướng đến thường là:

Sở chỉ huy và trung tâm điều khiển: Nằm sâu dưới lòng đất để tránh bị phá hủy.

Kho vũ khí, đặc biệt là vũ khí hủy diệt hàng loạt: Các kho chứa được bảo vệ nghiêm ngặt.

Hầm trú ẩn kiên cố: Nơi ẩn náu của các lãnh đạo hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các cơ sở hạt nhân hoặc hóa học: Được xây dựng vững chắc để ngăn rò rỉ.

Ví dụ điển hình

Một trong những loại bom phá boongke nổi tiếng nhất của Mỹ là GBU-57 MOP, được nhắc đến bài này. Đây là quả bom cực lớn, nặng khoảng 13,6 tấn, được thiết kế để phá hủy những hầm ngầm kiên cố nhất.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra một biện pháp đối phó là tấn công vào điểm yếu GBU-57 MOP. Dù phần mũi của GBU-57 MOP có giáp dày, hai bên thân nó chỉ làm bằng thép mỏng vài cm, có thể bị làm nứt vỡ chỉ cần một hoặc hai quả đạn pháo phòng không.

Pháo phòng không giá rẻ có thể được triển khai quanh các địa điểm trọng yếu. Thế nhưng, pháo phải tồn tại, radar theo dõi được và cần phải đối phó với các biện pháp tác chiến điện tử của kẻ địch như gây nhiễu radar, cắt đứt liên lạc, làm sai lệch tín hiệu dẫn đường.

Các cuộc tấn công của Mỹ vào các địa điểm hạt nhân ở Iran bằng bom phá boongke GBU-57 MOP hồi tháng 6 gần như không gặp phải sự kháng cự nào - Ảnh: Căn cứ không quân Whiteman

Các cuộc tấn công của Mỹ vào các địa điểm hạt nhân ở Iran bằng bom phá boongke GBU-57 MOP hồi tháng 6 gần như không gặp phải sự kháng cự nào - Ảnh: Căn cứ không quân Whiteman

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc khi làm mô phỏng trên máy tính đã không dùng vũ khí do nước này sản xuất, mà chọn pháo Oerlikon GDF (Thụy Sĩ) vì loại này được triển khai rộng rãi ở Trung Đông, gồm cả Iran - quốc gia từng bị Mỹ tấn công bằng bom phá boongke.

Oerlikon GDF có thể bắn 36 quả đạn trong 2 giây. Ở khoảng cách 1.200m, xác suất tiêu diệt mục tiêu của nó đạt 42%.

Nhóm nghiên cứu do Cui Xingyi, chuyên gia thuộc Viện Kỹ thuật Cơ điện Tây Bắc của tập đoàn công nghiệp quốc phòng Norinco (Trung Quốc), dẫn đầu đã công bố phương pháp này trên Gun Launch and Control - tạp chí vũ khí hàng đầu Trung Quốc.

Cách hoạt động

Phần mũi hình quả trứng của GBU-57 MOP có thể làm lệch các pha đánh trực diện (từ phía trước) và chỉ những cú tấn công từ bên hông mới xuyên thủng được. Góc va chạm phải nhỏ hơn 68 độ. Nếu vượt quá góc đó, đạn pháo sẽ trượt ra ngoài, theo nhà nghiên cứu Cui Xingyi và các đồng nghiệp của ông.

Nếu bắn từ xa hơn 1.500m, đạn pháo sẽ không đủ lực để xuyên thủng vỏ GBU-57 MOP do mất tốc độ và năng lượng. Còn trong phạm vi 1.200m, thuốc nổ trơ bên trong quả bom này có thể bị kích nổ bởi sức nóng và mảnh đạn.

Cụ thể hơn, khi pháo phòng không bắn trúng GBU-57 MOP ở cự ly gần (từ 1.200m trở lại), nhiệt lượng cao và mảnh đạn kim loại sắc nhọn từ cú va chạm có thể xuyên qua vỏ bom, tiếp xúc với lõi chứa thuốc nổ, dẫn đến việc làm nổ quả bom phá boongke ngay giữa không trung. Đây là một chiến thuật hữu hiệu để phá hủy bom phá boongke trước khi nó kịp va chạm mục tiêu dưới mặt đất.

Nguyên lý khoa học thì đơn giản và dựa trên các phép tính sử dụng công thức xuyên giáp từ thời Thế chiến II. Song có một mẹo: Pháo phải được ngắm trước vào một điểm nằm trong quỹ đạo bay của bom thông minh. Điểm đó càng gần thì càng tốt vì khi đó nòng pháo sẽ giữ nguyên vị trí với sự điều chỉnh tối thiểu. Các nhà nghiên cứu gọi đó là chiến thuật “kiểm soát hỏa lực kiểu bắn tỉa”.

“Chiến thuật đánh chặn kiểu bắn tỉa này có nhiều lợi thế”, nhóm của Cui Xingyi viết.

Bằng cách đơn giản hóa quá trình ngắm bắn (ngắm trước vào một điểm thay vì liên tục bám theo mục tiêu di động), hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều, giảm áp lực lên các bộ phận cơ khí và tăng tốc độ xử lý, không cần tính toán nhiều nên giảm thời gian phản hồi xuống còn 1 mili giây, giúp khai hỏa nhanh chóng và chính xác.

"Kỹ thuật này đã sẵn sàng để triển khai với công nghệ hiện tại", nhóm nhiên cứu cho biết thêm.

Tuy nhiên, chiến trường thì luôn khắc nghiệt. Các cường quốc về không quân có thể mở các đợt oanh kích quy mô lớn để quét sạch hệ thống pháo phòng không trước khi điều máy bay ném bom đến. Các động tác né tránh cuối cùng của bom thông minh có thể khiến việc dự đoán quỹ đạo trở nên vô dụng và khoảng cách hiệu quả để bắn trúng nó (1.200m) chỉ kéo dài trong tích tắc.

Một nhà vật lý tại thủ đô Bắc Kinh không tham gia nghiên cứu lưu ý: “Cái gì hiệu quả tại Trung Quốc chưa chắc đã hiệu quả ở nơi khác”.

Trong chiến sự ở Ukraine, Nga đã sử dụng các loại bom phá boongke với chiến thuật và mục đích phá hủy các công trình kiên cố dưới mặt đất.

Cụ thể hơn, Nga triển khai bom lượn dẫn đường từ trên máy bay chiến đấu Su-30SM2, trong đó có bom FAB-1500 được cải tiến để dẫn đường bằng laser/GPS. Bom này nặng khoảng 1,55 tấn, có khả năng xuyên phá boongke sâu 20m và xuyên 3m bê tông cốt thép.

Ngoài ra, còn có báo cáo từ Ukraine rằng nước này bị tấn công bằng bom lượn của Nga, được thả từ máy bay chiến đấu, có đầu đạn nửa tấn, giúp xuyên thủng hầm ngầm trên chiến trường.

Chưa hết, Nga đã trang bị bom xuyên bê tông cho Su-30SM2 có khả năng phá hủy hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bom-pha-boongke-my-tung-khien-iran-chiu-tran-nguoi-trung-quoc-neu-cach-danh-chan-235158.html