Bốn lâu đài cổ tích ở Đức được công nhận Di sản Thế giới UNESCO

Bốn lâu đài cổ tích ở Bavaria, Đức vừa được UNESCO công nhận Di sản Thế giới nhờ vẻ đẹp độc đáo và giá trị lịch sử gắn với Vua Ludwig II.

Toàn cảnh Lâu đài Neuschwanstein ở tây nam nước Đức, nhìn từ trên cao. (Nguồn: Getty Images)

Toàn cảnh Lâu đài Neuschwanstein ở tây nam nước Đức, nhìn từ trên cao. (Nguồn: Getty Images)

Mới đây, bốn lâu đài tráng lệ nằm giữa dãy Alps Bavaria là Neuschwanstein, Linderhof, Schachen và Herrenchiemsee, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới, cùng với 22 địa điểm khác trên toàn cầu trong năm nay.

Được xây dựng dưới thời Vua Ludwig II từ năm 1864 đến 1886, các lâu đài này đều hòa quyện vào cảnh quan thiên nhiên xung quanh: hoặc vươn cao trên núi, hoặc ẩn mình giữa rừng sâu. Sau khi Vua Ludwig qua đời năm 1886, cả bốn công trình được bảo tồn và mở cửa đón khách tham quan như bảo tàng.

Trong số đó, Neuschwanstein gây ấn tượng mạnh nhờ vị trí dựng trên đỉnh núi và lịch sử đặc biệt: từng được sử dụng để cất giấu các tác phẩm nghệ thuật vô giá bị Đức Quốc xã đánh cắp. Theo Discovery, Nhà vua xây lâu đài này “cho niềm vui của riêng mình”.

Cung điện Linderhof là công trình duy nhất được hoàn thành khi Vua Ludwig còn sống. (Nguồn: Getty Images)

Cung điện Linderhof là công trình duy nhất được hoàn thành khi Vua Ludwig còn sống. (Nguồn: Getty Images)

Tên lâu đài “Neuschwanstein” (Lâu đài Thiên nga mới) được lấy cảm hứng từ một nhân vật trong vở nhạc kịch của nhà soạn nhạc Richard Wagner. Theo trang web chính thức của lâu đài, Vua Ludwig từng hình dung mình là một hiệp sĩ vùng Schwangau và là thiên nga huyền thoại Lohengrin, dù ông luôn ý thức rõ vai trò của mình với tư cách là vua xứ Bavaria. Sau này, Ludwig thường được nhắc đến với biệt danh “Mad King Ludwig”, phản ánh phần nào cá tính lập dị và cuộc sống khác thường của ông.

Lâu đài Herrenchiemsee được lấy cảm hứng từ Cung điện Versailles, nhưng lại tọa lạc giữa khu rừng hẻo lánh, khó tiếp cận.(Nguồn: Getty Images)

Lâu đài Herrenchiemsee được lấy cảm hứng từ Cung điện Versailles, nhưng lại tọa lạc giữa khu rừng hẻo lánh, khó tiếp cận.(Nguồn: Getty Images)

Linderhof là lâu đài duy nhất được hoàn thiện trọn vẹn khi Vua Ludwig còn sống. Trong khi đó, Herrenchiemsee, lấy cảm hứng từ Cung điện Versailles, lại được xây dựng dở dang ở một vị trí hẻo lánh giữa rừng sâu. Riêng King’s House trên núi Schachen, tuy không phải công trình quy mô lớn, nhưng đã được đưa vào sử dụng. Ban đầu là nhà nghỉ săn bắn, nơi này thực tế trở thành địa điểm vua Ludwig tổ chức các buổi tiệc sinh nhật.

Ngày nay, Neuschwanstein là điểm đến thu hút đông đảo du khách nhất tại bang Bavaria. Trước khi Disneyland ở Anaheim (California, Mỹ) khai trương vào năm 1955, Walt Disney và vợ ông đã đến thăm lâu đài này trong một chuyến đi tới Tây Đức. Chính hình ảnh những tòa tháp cổ kính giữa khung cảnh núi non đã truyền cảm hứng để ông tạo nên lâu đài trong Disneyland, Walt Disney World và cả logo của hãng phim Disney.

King’s House nằm trên đồi Schachen ban đầu được xây dựng làm nơi nghỉ chân khi đi săn, nhưng Vua Ludwig lại dùng nơi này để tổ chức các buổi tiệc sinh nhật. (Nguồn: Getty Images)

King’s House nằm trên đồi Schachen ban đầu được xây dựng làm nơi nghỉ chân khi đi săn, nhưng Vua Ludwig lại dùng nơi này để tổ chức các buổi tiệc sinh nhật. (Nguồn: Getty Images)

Thống đốc bang Bavaria Markus Söder chia sẻ trên mạng xã hội X: “Một câu chuyện cổ tích trở thành hiện thực đối với những lâu đài cổ tích của chúng tôi”. Ông viết thêm: “Lâu đài cổ tích kết hợp nghệ thuật và văn hóa tuyệt mỹ với một chút cầu kỳ và sáo mòn. Khi mọi người trên thế giới nhìn thấy lâu đài, họ có thể nghĩ đến Disney. Nhưng không – Neuschwanstein là và sẽ luôn là nguyên bản của xứ Bavaria”.

(theo Town&Country)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bon-lau-dai-co-tich-o-duc-duoc-cong-nhan-di-san-the-gioi-unesco-321616.html