Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép
Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.
Lợi ích kép
Mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa thuộc Dự án “Sáng kiến hệ sinh thái thị trường cho nông dân tỉnh Gia Lai” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với tổ chức iDE tại Việt Nam và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa triển khai từ vụ mùa 2024.
Đây là biện pháp kỹ thuật bón phân cho lúa bằng cách dúi các viên phân đã được ép sẵn từ 3 loại phân đạm, lân, kali với một tỷ lệ thích hợp xuống đất tạo thành kho dự trữ “thức ăn” cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng.
Cách làm này có ưu điểm vượt trội là chỉ bón 1 lần trong cả vụ, giảm thiểu sự rửa trôi, bay hơi. Nhờ vậy, người trồng lúa giảm đáng kể chi phí mua phân bón mà năng suất lúa cao hơn so với bón vãi.
Bà Rmah H’Yiam (thôn Hlil 2) là 1 trong 20 hộ của xã Ia Mrơn tham gia mô hình bón phân viên dúi sâu trên diện tích 1 sào lúa. Bà cho hay: Ruộng lúa sử dụng phân viên dúi sâu tốt hơn hẳn các chân ruộng lân cận, năng suất đạt hơn 9 tạ/sào.
Tuy nhiên, cách bón phân này phải sử dụng tay để dúi phân nên khá tốn thời gian ban đầu. Nếu có một loại máy móc làm thay công đoạn này cho con người thì thuận lợi và chắc chắn sẽ có nhiều người áp dụng.
Còn ông Nay Binh (buôn Biah A, xã Ia Tul) thì chia sẻ: Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, diện tích lúa tham gia mô hình của gia đình ông phát triển tốt, bông lúa dài, tỷ lệ chắc hạt cao. Năng suất đạt hơn 8 tạ/sào, cao hơn lúa ngoài mô hình 70 kg/sào.
“Thông thường, 1 sào lúa phải bón 70 kg phân các loại, chia thành 3 lần. Nhưng khi sử dụng phân viên dúi sâu, tôi chỉ phải dúi 1 lần duy nhất với 40 kg/sào. Nhờ vậy, chi phí đầu tư giảm đáng kể, trong khi năng suất đạt cao hơn. Vụ Đông Xuân này, tôi đăng ký nhân rộng mô hình ra 2 sào”-ông Binh nói.
Theo anh Huỳnh Quốc Dũng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tul: Mô hình giúp người dân thay đổi thói quen canh tác lúa nước, chuyển từ sạ dày, bón nhiều phân sang sạ thưa, bón dúi phân 1 lần.
Qua đó, mô hình giúp bà con tiết kiệm lượng giống gieo sạ, phân bón, hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, giảm tác hại đối với môi trường, tăng năng suất. Hiện có 56 hộ trong xã đăng ký tham gia mô hình trong vụ tiếp theo.
Nhân rộng mô hình
Vụ mùa 2024, mô hình bón phân viên dúi sâu được triển khai thí điểm tại 5 xã của huyện Ia Pa (gồm: Pờ Tó, Kim Tân, Ia Mrơn, Ia Trốk, Ia Tul) trên diện tích 10 ha với 100 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% phân bón và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật.
Ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-đánh giá: Kết quả cho thấy mô hình mang lại hiệu quả kép, giúp giảm chi phí đầu tư và năng suất lúa đạt 8 tạ/sào (nhiều diện tích đạt trên 9 tạ/sào, cao hơn lúa ngoài mô hình 70-100 kg/sào).
Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện tiếp tục hỗ trợ mô hình điểm tại 4 xã còn lại, mỗi xã có 5 ha với 5 hộ tham gia; đồng thời nhân rộng ở 5 xã đã triển khai. Mục tiêu của mô hình là có 650 hộ tham gia trong vụ Đông Xuân này, tiến tới có 3.000 hộ tham gia vào vụ mùa 2025.
Là đơn vị đồng hành triển khai mô hình, ông Nguyễn Thanh Điền-Quản lý Dự án “Sáng kiến hệ sinh thái thị trường cho nông dân tỉnh Gia Lai” của tổ chức iDE-khẳng định: Khi tham gia mô hình, nếu năng suất lúa thấp hơn ruộng đối chứng, đơn vị cam kết bù lỗ cho bà con nông dân. Với mô hình điểm, đơn vị tài trợ 100% phân bón. Tuy nhiên, với những hộ khác muốn tham gia nhân rộng mô hình, đơn vị thực hiện chương trình khuyến mãi mua 3 tặng 1.
Hiện giá phân viên dúi sâu là 20.000 đồng/kg. Đơn vị cũng đã đưa máy nén phân về huyện để trực tiếp sản xuất, cung ứng cho người dân; đồng thời mua dụng cụ dúi phân giúp bà con giảm thời gian, công sức.
Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho hay: Mặc dù lần đầu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh song mô hình đã cho thấy hiệu quả khi chỉ sử dụng phân bón 1 lần được dúi sâu dưới chân ruộng từ lúc gieo sạ đến thu hoạch. Kết quả là lợi nhuận tăng thêm 14% so với canh tác theo phương pháp truyền thống.
“Hy vọng cùng với việc đưa giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, kết hợp sử dụng phân bón theo phương pháp mới này sẽ tạo ra bước đột phá trong sản xuất lúa gạo, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững”-ông Phước kỳ vọng.