Bức tượng Phật tại New Jersey: Biểu tượng hòa nhập và kết nối cộng đồng
Bức tượng Phật không chỉ là biểu tượng bình yên mà còn là điểm nhấn của sự kết nối liên tôn, hòa nhập văn hóa và chữa lành tâm hồn.
Tại Franklin Township, gần Princeton, New Jersey, bức tượng Phật cao 9 mét - một trong những bức tượng lớn nhất Hoa Kỳ - đã trở thành biểu tượng văn hóa và tâm linh. Được dựng lên từ một thập kỷ trước tại sân sau Trung tâm Thiền và Phật giáo New Jersey (New Jersey Buddhist Vihara), bức tượng không chỉ thể hiện sự hòa nhập tôn giáo mà còn khuyến khích sự tiếp cận của cộng đồng.
Công trình này ra đời dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Hungampola Sirirathana Nakaya Thero, một nhà sư Phật giáo Nguyên thủy Sri Lanka.
Vị trí bức tượng gần đường 27, gần Princeton, giúp bức tượng thu hút đông đảo khách thăm quan. Du khách gồm cả phật tử từ nhiều truyền thống, tín đồ Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, và những người hiếu kỳ. Theo giảng viên văn học tại Đại học Princeton, Daniel Choi, người đã đến thăm từ năm 2015, khu vực này mang đến cảm giác hòa hợp và gắn kết văn hóa. “Nơi đây giống như một ngôi đền công cộng, mọi người có thể thiền hoặc tụng kinh trong một môi trường giao thoa nhiều truyền thống văn hóa khác nhau. Đó là nét độc đáo của New Jersey Buddhist Vihara,” ông chia sẻ.
Mặc dù New Jersey Buddhist Vihara theo Phật giáo Nguyên thủy (truyền thống phổ biến tại Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan), trung tâm vẫn chào đón tất cả truyền thống Phật giáo và tín ngưỡng khác.
Bên cạnh tượng Phật chính, còn có tượng Quan Âm, biểu tượng đặc trưng của Phật giáo Đại thừa, thể hiện tinh thần hòa hợp và sự đa dạng trong thực hành tâm linh.
Tulsi Majarjan, Giám đốc tổ chức Friends of Nepal-NJ, đã tham gia nhiều dự án liên tôn, bao gồm một bức tranh tường thể hiện biểu tượng các tôn giáo lớn. Ông nhấn mạnh đặc trưng của khu vực: “Somerset giống như một thế giới thu nhỏ với sự phong phú về văn hóa và tôn giáo.”.
Majarjan nhớ lại thời điểm các phật tử phải đi xa để tìm một ngôi chùa. Hôm nay, ông bày tỏ lòng tự hào về sự đa dạng tôn giáo và khả năng tiếp cận của khu vực, lưu ý rằng không xa Vihara là các ngôi chùa Hindu, Jain và Sikh. Ông ví bức tượng Phật như là “sự hiện diện tĩnh tại” khiến du khách khi đến đây "cảm thấy thưa thái, an nhiên”.
Cư dân địa phương là bà Carol Kuehn - 76 tuổi, một giáo viên đã về hưu, chia sẻ rằng bức tượng và cộng đồng xung quanh đã thay đổi cuộc sống của bà. Ban đầu được giới thiệu về Phật giáo qua văn học và yoga, bà bắt đầu thiền định và thường xuyên đến vihara sau khi các nhà sư xuất hiện vào năm 2002. Phật giáo đã giúp bà vượt qua mất mát cá nhân và tập trung vào điều tích cực. “Thiền đã cho tôi cách để sống trong từng khoảnh khắc”.
Vào một buổi tối gần đây, Kuehn đã cùng trụ trì Vihara, Ven. Hungampola Sirirathana Nakaya Thero, tụng kinh Pali. Bà cho biết bức tượng Phật cao lớn tượng trưng cho những phẩm chất đã "thay đổi căn bản" cuộc đời bà. "Đó là thứ tôi có thể nhìn vào và nghĩ về những phẩm chất mà Đức Phật đại diện", Kuehn nói. "Đó là sự bình yên, hiểu biết, từ bi và tôn trọng tất cả mọi người".
Bức tượng Phật không chỉ là biểu tượng bình yên mà còn là điểm nhấn của sự kết nối liên tôn, hòa nhập văn hóa và chữa lành tâm hồn. Với sự tham gia của nhiều cộng đồng, từ phật tử đến tín đồ các tôn giáo khác, nơi đây thực sự là một biểu tượng của sự đoàn kết và lòng nhân ái.
Tác giả: Justin Whitaker
Nguồn link: https://www.buddhistdoor.net/news/buddha-statue-in-rural-new-jersey-draws-buddhists-from-around-the-world/