Bứt phá để sớm tiến tới một nền công nghiệp văn hóa

Khi những ngày cuối cùng của năm 2024 đang dần khép lại, dẫu đang trong tiết đông giá mà lòng vẫn ấm vì đón nhận nhiều niềm vui.

Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giới điện ảnh đang tràn trề với những niềm vui khi thống kê của Box Office Vietnam cho biết đến hết ngày 1/12, tổng doanh thu phòng vé năm 2024 đã đạt con số 4.418 tỷ đồng. Con số này đã vượt qua tổng doanh thu phòng vé năm 2019 (hơn 4.100 tỷ đồng - số liệu dẫn từ công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và là con số tổng doanh thu phòng vé cao nhất từ trước tới nay, chứ không chỉ là từ giai đoạn những năm hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Khán giả đón chào nồng nhiệt các “Anh trai say hi” đến Hà Nội.

Khán giả đón chào nồng nhiệt các “Anh trai say hi” đến Hà Nội.

Điều đáng mừng nữa là phim Việt đã đóng góp phần doanh thu không nhỏ trong tổng doanh thu nói trên, khi có hàng loạt phim lọt top "phim trăm tỷ đồng", như "Làm giàu với ma" (128 tỷ đồng), "Ma da" (gần 127,2 tỷ đồng)... Cá biệt như phim "Mai" thu về 551,2 tỷ đồng và "Lật mặt 7: Một điều ước" thu 482,7 tỷ đồng.

Phim Việt cũng ghi dấu ấn rất tốt trong cộng đồng làm phim thế giới khi có "Là mây trên bầu trời của ai đó" của diễn viên, nhà sản xuất Trịnh Tú Trung vừa giành giải thưởng đặc biệt từ Ban giám khảo của Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 61, vừa tổ chức tại Malaysia, trong cuộc so tài giữa 268 phim của 21 quốc gia dự giải.

Tuy là sự kiện điện ảnh thường niên, nhưng Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương, với lịch sử 71 năm, là một trong những sự kiện quan trọng của điện ảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc vinh danh các tác phẩm, cá nhân theo từng hạng mục đề cử. Ở mùa giải thứ 58, tổ chức năm 2018, tại Đài Loan (Trung Quốc), lần đầu tiên Việt Nam được xướng tên trong hạng mục Best story (giải Câu chuyện sáng tạo nhất) với bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" của Ngọc Thanh Tâm.

Ở lĩnh vực âm nhạc cũng sôi động không kém với việc hàng vạn khán giả háo hức săn vé concert "Anh trai vượt ngàn chông gai", sẽ tổ chức vào tối 15/12 tại Hà Nội. Khán giả háo hức đến độ tạo nên "cơn sốt" vé mà nhiều người nhận xét là không kém gì cuộc đua săn vé của BlackPink hay Taylor Swift.

Mà "cơn sốt" vé này là thật chứ không ảo, bởi chỉ sau 40 phút mở bán ngày 12/11, toàn bộ vé xem "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã được bán sạch, lập kỷ lục về tốc độ bán vé chưa từng có trong lịch sử các chương trình âm nhạc tại Việt Nam. Tương tự, concert 2 "Anh trai say hi" nhanh chóng hết vé khi mở bán ngày 7/11, dù ngày 7/12 mới tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, concert đầu tiên của "Anh trai say hi" tại TP Hồ Chí Minh, với giá từ 800.000 đến 8 triệu đồng/vé, tổng cộng tới 20.000 vé, cũng được bán hết chỉ sau 90 phút.

Những sự sôi động của điện ảnh và âm nhạc, nói đúng hơn là những bứt phá ngay chính trong giai đoạn kinh tế khó khăn, đang chứng minh nghệ sĩ chúng ta và cả những nhà tổ chức sự kiện, đều rất tài năng, đủ khả năng tự đầu tư và tạo ra được những sản phẩm tinh chất Việt, đủ khả năng chinh phục khán giả là người Việt.

"Sân nhà" cũng đang chứng minh được sự hấp dẫn để nuôi dưỡng nghệ thuật, chứ không hẳn cứ phải dựa vào ngân sách - đấy là thành công của việc xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật. Và, nói như các "tín đồ túc cầu" thì muốn "ra biển lớn" trước hết phải thắng được trên chính "sân nhà".

Điều này liên quan đến những nội dung mà Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 vừa được Quốc hội Khóa XV biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Chương trình đặt ra 9 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước vào năm 2030 và 8% vào năm 2035.

Muốn đạt được mục tiêu này thì các hoạt động văn hóa phải có sự bứt phá để tiến dần tới công nghiệp văn hóa. Điều đáng phấn khởi, là dù đang trong lộ trình xã hội hóa mạnh mẽ nhưng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cũng đã tính đến những sự hỗ trợ thiết thực từ ngân sách để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Những sự hỗ trợ đó có thể kể đến việc từ nay đến năm 2030 chương trình sẽ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho 90% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; cùng với đó là việc hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao...

Toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân đang vào cuộc, đoàn kết đồng hành trên nhiều hướng đột phá, để tạo tiền đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, ngày 3/12, rằng: "Không thể chậm trễ được nữa bởi đây là thời cơ và để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước, với nhân dân.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/but-pha-de-som-tien-toi-mot-nen-cong-nghiep-van-hoa-i753082/