Các chủ tàu vỏ thép Bình Định yêu cầu bồi thường gần 37 tỷ đồng

Các chủ tàu vỏ thép Bình Định yêu cầu các công ty đóng tàu vỏ thép bồi thường thiệt hại.

Tàu vỏ thép Bình bị hư hỏng. Ảnh minh họa: TTXVN

Tàu vỏ thép Bình bị hư hỏng. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 30/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định chủ trì buổi làm việc giữa 19 ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Thủ tướng Chính phủ bị hư hỏng với các công ty đóng tàu vỏ thép về việc bồi thường thiệt hại trong thời gian tàu vỏ thép nằm bờ để sửa chữa.
Theo đó, 17 chủ tàu vỏ thép tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) là những đơn vị đã đóng tàu và bị hư hỏng phải bồi thường 36,9 tỷ đồng gồm số tiền các chủ tàu phải chịu nợ quá hạn ngân hàng do tàu bị hư hỏng không ra khơi đánh bắt được cùng nhiều khoản chi phí phát sinh khác.
Tỉnh Bình Định có 19 tàu vỏ thép hư hỏng phải sửa chữa; trong đó, 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng và 14 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đóng. 17 chủ tàu trong số này nợ quá hạn ngân hàng với số tiền 17,8 tỷ đồng.
Các khoản chi phí chủ tàu vỏ thép yêu cầu bồi thường gồm chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển; tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ; nợ gốc, lãi ngân hàng…
Ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS, ở xã Cát Khánh (huyện Phú Cát) cho biết: "Máy tàu bị hỏng, sự cố tàu xảy ra là do công ty gây ra nên công ty phải bồi thường, việc kiện ra tòa sẽ gây khó khăn cho ngư dân. Chúng tôi đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu thống nhất thời gian bàn giao tàu. Nếu công ty kéo dài thời gian thì phải bồi thường".
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, một số khoản chi phí ngư dân yêu cầu bồi thường do tàu vỏ thép bị hư hỏng không thực tế, cần có sự xem xét, bàn bạc, thống nhất giữa chủ tàu và các công ty đóng tàu.
Trong số các tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, hiện Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã hạ thủy và bàn giao cho ngư dân 9 tàu cá vỏ thép, còn 6 tàu đang tiếp tục sửa chữa; trong đó 2 tàu sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan và 4 tàu tại cơ sở đóng tàu của Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Công TNHH MTV Nam Triệu cho biết sẽ hoàn thành sửa chữa, hạ thủy 2 tàu tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan trong ngày 5/12 tới và 4 tàu tại Cam Ranh dự kiến sẽ hạ thủy vào ngày 20/12/2017.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Chúng tôi đã bị thiệt hại hơn 40 tỷ đồng sửa chữa tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định bị hư hỏng. Những đề nghị hỗ trợ thiệt hại của ngư dân là chính đáng, chúng tôi sẽ ghi nhận. Chúng tôi sẽ làm việc với các chủ tàu để xem xét, bàn bạc, thống nhất việc bồi thường. Sau đó, sẽ báo cáo với lãnh đạo Tổng cục Hầu cần, Bộ Công an để cho ý kiến”.
Về phía Công ty Đại Nguyên Dương, Giám đốc công ty Nguyễn Xuân Nguyên kiên quyết không đồng ý bồi thường thiệt hại do tàu vỏ thép bị hư hỏng cho các ngư dân. Theo ông Nguyên, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương dự kiến sẽ bàn giao 4 tàu cá vỏ thép sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan trong ngày 5/12.
Theo ông Nguyên, việc sửa chữa, khắc phục tàu vỏ thép bị chậm so với tiến độ đã cam kết trước đây là do ngư dân làm đơn đề nghị kiểm tra tôn đóng vỏ tàu bị chậm, công ty phải chờ các văn bản đồng ý sửa chữa của các cơ quan chức năng, Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan không đảm bảo để sửa chữa tàu và do ảnh hưởng của bão số 12…
"Công ty bị mất uy tín, nên bị ảnh hưởng rất nặng nề trong vòng 1 năm qua. Do không sản xuất được gần 300 công nhân thất nghiệp, máy móc, thiết bị bị hư hỏng”, ông Nguyên chia sẻ.
Ông Phan Trọng Hổ cho biết sẽ có văn bản gửi cho 2 công ty đóng tàu và yêu cầu hai công ty trả lời bằng văn bản để thông báo cho ngư dân. Có thể sẽ có thêm 1 – 2 cuộc để bàn bạc, thống nhất. Nếu không thống nhất thì ngư dân có thể kiện ra tòa vì đây là tranh chấp kinh tế giữa ngư dân và các công ty đóng tàu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định không có thẩm quyền bắt buộc các công ty trả tiền bồi thường cho ngư dân./.

Phạm Kha/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cac-chu-tau-vo-thep-binh-dinh-yeu-cau-boi-thuong-gan-37-ty-dong/69383.html