Các kỹ năng sơ cấp cứu khi bị tai nạn đuối nước

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đuối nước là hiện tượng khí quản bị một lượng lớn chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới ngạt thở có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc không tử vong nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Vì vậy, khi gặp trường hợp đuối nước cần xử lý khẩn trương, kiên trì ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.

Để phòng tránh đuối nước, chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát

Để phòng tránh đuối nước, chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Có 2 phương pháp cứu đuối: Cứu đuối gián tiếp và trực tiếp. Cứu đuối gián tiếp là sử dụng phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước,... để cứu người bị đuối nước khi họ còn tỉnh. Tùy theo tình hình thực tế mà lựa chọn phương án cứu phù hợp, an toàn và hiệu quả.

Cứu đuối trực tiếp là nhảy xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân. Việc này chỉ dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, có chứng chỉ cứu hộ, có đủ sức khỏe/năng lực thực hiện. Tùy cụ thể từng vụ đuối nước, có thể cứu đuối trực tiếp khi chưa phải là người cứu hộ chuyên nghiệp nhưng phải bảo đảm cứu sống nạn nhân và bảo đảm an toàn cho bản thân.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên - Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cách xử trí khi bị đuối nước, trước tiên cần đưa người bị nạn ra khỏi vùng nước; nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy một người nào đó bị đuối nước bằng cách hô, gọi. Việc cứu nạn nhân ra khỏi nước là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng. Người đưa nạn nhân ra khỏi đuối nước phải là người biết bơi, có kỹ năng cứu người bị đuối nước để tránh những rủi ro khác có thể xảy ra.

Tiếp theo, kiểm tra xem người bị nạn có thở không và có tỉnh không? Nếu người bị nạn không thở thì bắt đầu hồi sức tim phổi (hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực): Cẩn thận đặt người bị nạn nằm ngửa trên một bề mặt chắc chắn và cứng; nếu nghi ngờ chấn thương cổ/đầu: Di chuyển người bị nạn bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông), giữ cho tất cả thẳng hàng; nếu không chấn thương cổ: Giữ đầu người bị nạn ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở. Nếu nghi ngờ chấn thương cổ, không ngửa đầu, chỉ cần ấn hàm. Khi thổi ngạt đối với trẻ sơ sinh, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn và người lớn, một tay ép cánh mũi và thổi hơi qua miệng. Thổi vào miệng người bị nạn trong 1 giây và ngực của họ sẽ phồng lên. Lặp lại hơi thở lần thứ hai. Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực: Vị trí ép tim 1/2-1/3 dưới xương ức, tỷ lệ ép tim/thổi ngạt là 30:2; ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3-1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau; tốc độ ép tim100-120 lần/phút; tư thế: Giữ cánh tay theo phương thẳng đứng vuông góc với ngực của nạn nhân với mỗi lần thực hiện ép.

Ngoài ra, hạ thân nhiệt thường xảy ra sau khi bị đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Do đó, cần phải ủ ấm cho người bị nạn ngay khi đưa khỏi môi trường nước. Không nên ẵm, bế, sốc ngược người bị nạn để trên vai, nhảy vòng vòng hoặc rung lắc để sốc nước ra ngoài. Chỉ nên đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng và thực hiện hồi sức tim phổi ngay lập tức nếu như họ bị ngưng thở. Khuyến cáo trẻ em không được thực hiện việc cứu đuối trực tiếp vì có thể chính các em sẽ bị đuối nước./.

Để phòng tránh đuối nước, đối với người lớn: Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không; khi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi, mang theo phao khi đi bơi và đi tàu, thuyền; không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước; chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Đối với trẻ nhỏ: Khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên; ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu có phải đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được; nhà có hồ, ao nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được; giáo dục kiến thức, kỹ năng (cho trẻ từ lớp 1) phòng, chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.

Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cac-ky-nang-so-cap-cuu-khi-bi-tai-nan-duoi-nuoc-a166742.html