Các ngành công nghiệp văn hóa đạt được một số thành tựu nhất định

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Sóc Trăng. nh: HOÀNG PHÚC

Sau 5 năm triển khai chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triểm lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Luật Điện ảnh (sửa đổi) số 05/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, có sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Điện ảnh năm 2006, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của văn nghệ sĩ; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài nước. Đảm bảo việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo xuyên biên giới thống nhất, đồng bộ, hiệu quả cao. Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022, có hiệu lực chính thức từ 1/1/2023, tạo cơ sở pháp lý để bảo hộ có hiệu quả các sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học.

Hiện nay trên cả nước có 54 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp và nhiều cơ sở đào tạo có tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển đa dạng, đồng bộ ngành công nghiệp văn hóa bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm. Các chương trình, đề án về kết nối, giao lưu, hợp tác quốc tế đã có hiệu quả thu hút sự quan tâm và đầu tư cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phải có lộ trình, chương trình thực hiện chiến lược. Phải tìm lĩnh vực có lợi thế để thực hiện trước. Các địa phương tiếp tục đóng góp cho việc thực hiện chiến lược. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đồng hành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thực hiện chiến lược này.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-dat-duoc-mot-so-thanh-tuu-nhat-dinh-62243.html