Các nhà khoa học lừng danh đưa ra nhiều lời khuyên quý giá cho sinh viên Việt Nam

Ngày 7/12, trời Hà Nội trở lạnh. Nhưng tại hội trường Trường Đại học VinUni, không khí lại rất 'nóng' bởi sự xuất hiện của nhiều nhà khoa học lừng danh thế giới vừa đến Việt Nam nhận giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.

Những nhà khoa học này đã thành công trong nghiên cứu về mạng nơ-ron, học sâu, liệu pháp điều trị ung thư, vaccine dạng uống ngừa bệnh tả và vật liệu sinh học giúp cơ thể tự chữa lành. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, các nhà khoa học đã chia sẻ những câu chuyện đầy cảm hứng, “truyền lửa” tới hàng trăm khán giả là sinh viên, các nhà khoa học trẻ, cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam.

Con đường làm khoa học là chấp nhận rủi ro và kiên trì

Giáo sư Carl H. June (người đoạt Giải đặc biệt giải thưởng VinFuture dành cho nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới, đồng thời là "cha đẻ" liệu pháp tế bào CAR-T), có một hành trình đầy bất ngờ khi từ bỏ quân đội để theo đuổi y học.

Các nhà khoa học nổi tiếng thế giới chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá trong nghiên cứu khoa học cho sinh viên Việt Nam.

Các nhà khoa học nổi tiếng thế giới chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá trong nghiên cứu khoa học cho sinh viên Việt Nam.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi theo lĩnh vực này vì gia đình tôi không ai nghiên cứu y học", ông kể. GS. Carl H. June nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấp nhận rủi ro và sự kiên trì: "Cơ hội đôi khi xuất hiện bất ngờ. Quan trọng là ta phải sẵn sàng nắm lấy và luôn mở lòng trước những thách thức". Ông cũng chia sẻ câu chuyện xúc động về bệnh nhân đầu tiên được ông chữa trị thành công bằng liệu pháp CAR-T. "14 năm sau, cô bé ấy vẫn khỏe mạnh và bệnh bạch cầu đã không còn". 25 năm trước, ý tưởng của GS. Carl H. June bị coi là viển vông vì liên quan đến biến đổi gen, nhưng nhờ sự kiên trì và cẩn trọng của ông, những "điều kỳ diệu đã đến".

Trong khi đó Michel Sadelain, đồng chủ nhân của Giải đặc biệt dành cho Nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực mới, chia sẻ, ngay khi bắt đầu, ông cũng chưa thể biết đâu là hướng nghiên cứu đúng. Ông học về dịch tễ và ban đầu cũng không biết đó là gì, con đường nào sẽ phù hợp với mình nhưng rồi ông càng học sâu hơn, từ thạc sĩ tới tiến sĩ để tìm hiểu lĩnh vực mà mình muốn biết. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu về lâm sàng, gần như bắt đầu từ đầu và tự sáng tạo trong lĩnh vực lâm sàng. Nhấn mạnh vai trò của sự tò mò trong khoa học, ông nói: "Tôi từng không biết liệu mình có đi đúng hướng, nhưng tôi tò mò và dấn thân. Thành công đôi khi đến từ việc tái sáng tạo chính mình".

Nếu nghiên cứu khoa học với nam giới khó một, thì dường như con đường thành công đến với nhà khoa học nữ khó gấp bội. Giáo sư Kristi S. Anseth, người đoạt Giải đặc biệt VinFuture 2024 dành cho nhà khoa học nữ, kể về hành trình không mấy bằng phẳng của mình. Bà bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực hóa học, nghiên cứu các hệ thống lọc nước, rồi chuyển hướng sang kỹ thuật y sinh để giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe con người. "Tôi tìm thấy cảm hứng từ sự hợp tác với đồng nghiệp để giải quyết các thách thức đổi mới. Quan trọng là chúng ta luôn không ngừng học hỏi", bà chia sẻ.

Thế hệ trẻ dám ước mơ, bước ra khỏi vùng an toàn và cống hiến

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của bản thân, hai nhà khoa học danh tiếng là GS. Yoshua Bengio và GS. Yann LeCun, chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024 đã liên tục bày tỏ, khuyến khích thế hệ trẻ dám ước mơ, bước ra khỏi vùng an toàn và cống hiến vì lợi ích cộng đồng.

Nhắc lại những năm 1990, khi AI rơi vào giai đoạn được gọi là “mùa đông AI” – thời kỳ mà cộng đồng khoa học nghi ngờ về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo – hai giáo sư đã chia sẻ những quan điểm đầy cảm hứng. GS. Yoshua Bengio cho biết, ông và các cộng sự khi đó vẫn kiên định theo đuổi tầm nhìn dài hạn, dù không được ủng hộ rộng rãi: “Rất ít người tin tưởng vào chúng tôi, nhưng chính sự chia sẻ chung một mục tiêu đã giúp chúng tôi tiếp tục hành trình”. Còn GS. Yann LeCun chia sẻ, vào thập niên 1980 và 1990, AI không được quan tâm, thậm chí bị xem là một lĩnh vực “chết”. Nhưng thực tế, từ những năm 1950, các phương pháp AI đã khởi động, mặc dù "trồi sụt". Khi đó, khái niệm máy học thậm chí còn chưa hình thành rõ ràng, nhưng những bước nghiên cứu sơ khai đã đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ sau này.

Khi được hỏi về động lực trở thành nhà khoa học, cả hai vị giáo sư đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy và sự tò mò. GS.Bengio khuyến khích thế hệ trẻ: “Đừng ngại dấn thân vào những lĩnh vực khác biệt. Nghiên cứu là hành trình tìm tòi, có thể không mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng điều quan trọng là cần đa dạng ý tưởng và không sợ thất bại”. GS. LeCun thì gợi ý cách tiếp cận đột phá: “Hãy tự đặt câu hỏi: Có điều gì nhân loại chưa làm được? Có điều gì AI chưa giải quyết được để đưa con người lên tầm cao mới?”. Những thập kỷ tới sẽ là thời đại của robot và AI. Sinh viên cần tận dụng AI để làm việc thông minh hơn, đồng thời học cách hiểu sâu các vấn đề thay vì chỉ dựa vào câu trả lời sẵn có. Đối với việc bảo đảm an toàn khi AI ngày càng thông minh hơn, GS. LeCun lạc quan: “AI chỉ là một công cụ. Chúng ta cần định hướng AI để phục vụ con người, giống như cách đã làm với máy bay - ngày càng an toàn hơn”. Trong khi đó, GS Bengio lại cảnh báo: “Nếu chúng ta lập trình AI để bảo vệ lợi ích của chính nó, AI có thể hành xử theo cách không mong muốn. Đây là một thách thức lớn cần được giải quyết kỹ lưỡng”. GS. Bengio còn chia sẻ thêm với các bạn sinh viên: “Hãy tìm cách ứng dụng AI vào cuộc sống thực tế. Khoa học cần phục vụ cộng đồng, và các bạn chính là những người thực hiện điều đó”.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/cac-nha-khoa-hoc-lung-danh-dua-ra-nhieu-loi-khuyen-quy-gia-cho-sinh-vien-viet-nam-i752652/