Các nhà sách phát đạt hơn sau đại dịch
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch cùng sự cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử, nhiều nhà sách độc lập khắp thế giới đang có sự bùng nổ đáng kinh ngạc.
Vợ chồng Neha và Vishal Pipraiya (người Ấn Độ) khởi nghiệp với Pagdandi Bookstore Cafe vào năm 2013, ban đầu chỉ là thư viện cho mượn những đầu sách cá nhân của họ.
Sau hai năm đại dịch, bất chấp nhiều khó khăn, họ đã chuyển đổi từ cửa hàng sách truyền thống sang một không gian kết hợp. Điều này được cho là bước đi táo bạo trong bối cảnh hàng loạt nhà sách độc lập khắp thế giới phải chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh và lạm phát, theo Indian Express.
Đối diện khó khăn
Sự phát triển nhanh chóng của các hiệu sách như Pagdandi Bookstore Cafe đặc biệt đáng ngạc nhiên vào thời điểm mà các cửa hàng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Amazon và các nhà bán lẻ trực tuyến khác.
Nhiều chủ hiệu sách cũng đang phải đối mặt với sự không chắc chắn mới từ triển vọng ảm đạm đối với toàn bộ nền kinh tế: tình trạng thiếu lao động, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, giá thuê và lãi suất tăng, chi phí hàng hóa cao hơn và suy thoái kinh tế sắp xảy ra có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Cửa hàng mới khai trương vào tháng 11 cung cấp hơn 5.000 đầu sách. Hai người chủ nhận thấy nhiều người mệt mỏi với màn hình thiết bị thông minh và quay lại tìm sự thư giãn với sách.
"Đối với chúng tôi, sách thể hiện một lối sống rất đẹp. Chúng tôi cố gắng khuyến khích mọi người sống chậm lại, đọc một cuốn sách và thưởng thức ly trà nóng hoặc cà phê", Neha nói.
Sau đại dịch, nhiều khách hàng chán ngấy thời gian phải giải trí trên màn hình và tìm đến mua sách ở cửa hàng theo cách truyền thống. Nhận thấy nhu cầu này, Neha và Vishal Pipraiya đã mạnh dạn chuyển đổi kinh doanh.
Với cửa hàng mới, không gian sẽ được phân chia, có khu vực đọc sách và nơi bán nước giải khát, cà phê. Đây cũng là cách tiếp cận hiện đại mà nhiều nhà sách, thư viện khắp thế giới đang áp dụng.
"Chúng tôi đã kết hợp với các thương hiệu tập trung vào tính bền vững. Sữa được dùng trong quán chúng tôi là sản phẩm hữu cơ và đơn vị cung cấp cà phê cũng tuân theo quy tắc kinh doanh công bằng".
Sự hồi sinh ấn tượng
Quá trình hồi sinh của các cửa hàng sách trở nên khó khăn sau thời gian dài chống chọi với đại dịch. Những người chủ đã phải tìm cách để vực dậy kinh doanh trong bối cảnh những gã khổng lồ thương mại điện từ đang dần nắm phần lớn thị phần bán sách.
Đầu năm 2021, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới, việc Lucy Yu (Mỹ) mở một cửa hàng sách ở khu phố Tàu bị cho là quyết định điên rồ, trong bối cảnh phong tỏa đã buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa vĩnh viễn.
Nhưng Yu luôn tin rằng một hiệu sách là thứ khu phố này cần, theo New York Times.
Cô ấy đã huy động quyên góp được 20.000 USD trên GoFundMe, đủ để thuê một mặt tiền cửa hàng chật hẹp tại Mulberry Street, thuộc trung tâm thành phố Manhattan. Cô có thêm khoản trợ cấp 2.000 USD của khu phố để mua kệ và sách.
Đầu tháng 12/2021, Yu đã khai trương cửa hàng Yu and Me Books, chuyên các đầu sách viết về người nhập cư và người da màu. Cô cho biết cửa hàng đã có lãi sau 4 tháng kinh doanh.
Yu and Me Books là một trong hơn 300 hiệu sách độc lập mới mọc lên khắp nước Mỹ trong vài năm qua, trong một sự hồi sinh đáng ngạc nhiên và đáng hoan nghênh sau thời kỳ đầu suy thoái do đại dịch.
Hai năm trước, tương lai của việc bán sách độc lập có vẻ ảm đạm: khi dịch bệnh buộc các nhà bán lẻ phải đóng cửa, hàng trăm nhà sách nhỏ trên khắp nước Mỹ dường như đã chết.
Dữ liệu của Cục điều tra dân số nước này cho thấy doanh số của hiệu sách đã giảm gần 30% vào năm 2020. Ngành xuất bản chuẩn bị đón một đòn giáng mạnh vào hệ sinh thái bán lẻ của mình, một hệ sinh thái có thể định hình lại vĩnh viễn cách độc giả khám phá và mua sách.
Allison Hill, giám đốc điều hành của Hiệp hội những người bán sách Mỹ, một tổ chức thương mại dành cho các hiệu sách độc lập, cho biết: "Thật là sốc khi bạn nghĩ về tình trạng khó khăn của các cửa hàng vào năm 2020".
Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra: Những nhà bán sách nhỏ không chỉ sống sót sau đại dịch mà còn phát đạt.
Hiệp hội hiện có 2.023 cửa hàng thành viên tại 2.561 địa điểm, tăng từ 1.689 vào đầu tháng 7/2020. Số hiệu sách mới cũng tăng mạnh và bền vững, và hơn 200 cửa hàng khác đang chuẩn bị mở trong một hoặc hai năm tới, bà Hill cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nha-sach-phat-dat-hon-sau-dai-dich-post1381178.html