Các xã ven biển của tỉnh chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các xã ven biển của tỉnh đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với bão nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền xã Đông Tiền Hải kiểm tra phương tiện tàu thuyền neo đậu vào nơi tránh trú bão. Ảnh: Trần Tuấn
*Xã Nam Cường, Đồng Châu, Hưng Phú bảo đảm an toàn cho các phương tiện khai thác
Theo báo cáo các xã: Nam Cường, Đồng Châu, Hưng Phú có tổng số 578 phương tiện và 1.237 lao động khai thác hải sản. Để chủ động phòng, chống bão số 3, Đồn Biên phòng Cửa Lân đã phân công cán bộ thường trực, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên liên lạc, thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Tính đến 14h00 ngày 20/7, có 553 phương tiện đã neo đậu vào nơi tránh trú bão an toàn; còn 25 phương tiện đang hoạt động tại khu vực ven biển trong tỉnh. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các địa phương kêu gọi số tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực ven biển vào nơi tránh trú an toàn. Ông Vũ Văn Linh, chủ tàu cá xã Nam Cường cho biết: Trong sáng ngày 20/7, chúng tôi đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng thông báo nên đã cho tàu vào neo đậu tại cảng cá Cửa Lân để tránh bão. Anh em cũng thường xuyên cập nhật thông tin về bão số 3 và chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống thiên tai.

Các phương tiện tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Cửa Lân (xã Nam Cường). Ảnh: Trần Tuấn
Xã Hưng Phú có 45 phương tiện tàu thuyền và 11,6 km đê biển chia thành 6 điểm, 6 hộ nuôi hàu với trên 1 nghìn lồng nuôi và gần 200 lao động ở ngoài đê biển, đê cửa sông.Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, UBND xã Hưng Phú đã ban hành công điện khẩn và khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", phân công cụ thể từng đồng chí lãnh đạo xã phụ trách các tiểu ban tiền phương, hậu phương, công tác tuyên truyền, cứu hộ cứu nạn, bảo đảm an ninh trật tự, hậu cần, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Theo ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã: Hiện nay, các tàu thuyền trên địa bàn xã đã vào nơi tránh trú bão an toàn. Xã đã ký kết hợp đồng với các phương tiện, cửa hàng vật tư, quán bán đồ khô, thiết bị y tế, thuốc… bảo đảm khi cần sẽ cung ứng kịp thời; đồng thời kích hoạt hệ thống truyền thanh để cập nhật liên tục tình hình thời tiết và chỉ đạo phòng, chống bão; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể xảy ra; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện và người dân vào nơi tránh trú bão an toàn.

Ngư dân chằng buộc tàu thuyền tại khu neo đậu tại cảng cá Cửa Lân ( xã Nam Cường). Ảnh: Trần Tuấn
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKVN) xã Đồng Châu đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, các thôn, các đồng chí cụm trưởng cụm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ động thực hiện các nội dung sau thông báo đến những người đang nuôi trồng, kinh doanh ngoài đê biển số 6 theo dõi chặt chẽ các bản tin, cảnh báo, thông báo để chủ động các biện pháp phòng chống, di chuyển tài sản bảo đảm an toàn. Đối với chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển phối hợp Đồn biên phòng Cửa Lân giữ thông tin liên lạc, kịp thời thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, cường độ, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; bố trí lực lượng hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu. Bên cạnh đó, địa phương đang tích cực kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn đê điều; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; có phương án đảm bảo giao thông thông suốt cho kiểm tra hộ đê; chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước hợp lý trong công tác phòng chống thiên tai, phục vụ sản xuất và chống úng cho lúa mùa, hoa màu khi có mưa lớn xảy ra.

Hộ nuôi trồng thủy sản xã Nam Cường thu dọn, chằng buộc lại lưới ao nuôi tôm. Ảnh: Trần Tuấn
Bà Vũ Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Đồng Châu cho biết: Qua rà soát, toàn xã có 392 hộ gia đình, cá nhân đang nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê biển số 6 và 378 chòi, lều trông coi; có 19 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài đê biển số 6 thuộc xã Đông Minh cũ; 27 tàu thuyền phục vụ nuôi ngao và đánh bắt thủy sản với 51 lao động; 27 người già neo đơn ở nhà yếu. Địa phương đang tích cực phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Lân kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Sẵn sàng phương án di dời số hộ nuôi ngao, đầm vùng, các hộ kinh doanh ngoài đê quốc gia và các ngư dân trên các phương tiện trên biển vào nơi an toàn khi có yêu cầu.
*Xã Thái Thụy, Thái Ninh thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”
Ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND xã Thái Thụy cho biết: Xã đã thành lập các tổ công tác ứng trực 24/24h, tập trung kiểm tra các điểm xung yếu để chủ động xây dựng phương án sơ tán dân và bảo vệ tài sản. Hiện nay, xã có 40 hộ dân với 72 nhân khẩu sinh sống ngoài đê, 95 hộ dân với 159 nhân khẩu ở trong đê nhưng có nhà cửa xuống cấp, kém an toàn. Xã đã phân công cán bộ phụ trách theo từng thôn và tổ dân phố, phối hợp chặt chẽ với các trưởng thôn và tổ trưởng tổ dân phố để tuyên truyền, vận động các hộ trên di chuyển vào nơi tránh trú an toàn. Trường hợp người dân không hợp tác, xã sẽ áp dụng biện pháp kiên quyết, không để xảy ra thiệt hại về người.

Lãnh đạo xã Thái Thụy kiểm tra điểm cống Mai Diêm. Ảnh: Nguyễn Thắm
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, xã Thái Thụy đã huy động lực lượng xung kích trên 400 người, bố trí 13 bộ nhà bạt, hơn 33 nghìn bao tải, 4.600 m² bạt chống tràn, 450 áo phao cứu sinh… Đồng thời, các thôn, tổ dân phố cũng chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Tại thôn Tam Đồng, nơi có hơn 2 km đê biển, ông Nguyễn Trọng Bằng, Trưởng thôn cho biết: Thôn huy động dân quân, thanh niên, cựu chiến binh, tổ tự quản với 30 người tham gia đội xung kích. Hơn 150 hộ dân ven đê đã được hướng dẫn chằng chống nhà cửa, chặt cây, sơ tán nếu cần, neo chặt lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Lãnh đạo xã Thái Thụy kiểm tra điểm neo đậu an toàn của tàu thuyền tại cảng Diêm Điền. Ảnh: Nguyễn Thắm
Tại bến cá Tân Sơn, trong cơn mưa như trút trước chiều 19/7, ông Nguyễn Đình Tuân, chủ tàu cá TB90124TS cùng thuyền viên tất bật bốc dỡ hơn 2 tấn hải sản, đồng thời khẩn trương neo buộc tàu thuyền. Ông Tuân cho biết: Chúng tôi chủ động đưa tàu cập bến để tránh bão bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản; chỉ mong bão tan ngoài biển để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, mưu sinh.
Theo Thượng úy Nguyễn Chí Minh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền: Xã Thái Thụy có 156 tàu cá với 483 lao động, trong đó gần 80 phương tiện có chiều dài trên 15m. 100% số tàu thuyền lắp thiết bị giám sát hành trình giúp công tác quản lý, chỉ đạo trên biển diễn ra chủ động, chính xác. Khi có thông tin về bão, Trạm phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển vào nơi neo đậu an toàn: cửa sông Diêm Hộ, cống Than và bến cá Tân Sơn. Hai địa điểm này có khả năng tiếp nhận khoảng 150 phương tiện công suất từ 60 đến 300CV. Trạm duy trì lực lượng trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm đếm, nắm chắc phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu khi có sự cố
Một thách thức lớn trong công tác PCTT tại xã Thái Thụy là diện tích nuôi trồng thủy sản lớn hơn 300 ha, một phần diện tích nằm ngoài đê chính. Vì vậy, chính quyền xã yêu cầu các chủ đầm không ở lại canh đầm trong thời gian bão đổ bộ để bảo đảm an toàn tính mạng. Ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND xã Thái Thụy cho biết thêm: Xã có hơn 14 km đê, gồm 6,5 km đê sông Tả Diêm Điền và 7 km đê biển số 8 với 11 cống dưới đê. Địa hình ven biển phức tạp, luồng lạch hẹp, độ sâu hạn chế, tàu thuyền di chuyển phụ thuộc nhiều vào thủy triều, gây khó khăn lớn trong công tác cứu hộ nếu có sự cố. Đặc biệt, bão số 3 có thể trùng thời điểm triều cường, gặp gió Đông thì mực nước dâng rất nhanh, nguy cơ tràn mặt đê là hoàn toàn có thể xảy ra. Xã phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi xây dựng kịch bản tiêu úng; chỉ đạo các thôn trực ban nghiêm túc, bám sát tình hình, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo từng cấp độ rủi ro thiên tai; chủ động từ sớm, đồng bộ các giải pháp, phát huy cao độ tinh thần “4 tại chỗ”, xã Thái Thụy sẵn sàng ứng phó bão số 3 với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất.

Ông Nguyễn Đình Tuân, chủ tàu cá TB90124TS bốc dỡ hơn 2 tấn hải sản, khẩn trương neo buộc tàu thuyền tránh trú bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thắm
Cũng là xã ven biển, Thái Ninh có 6,8 km đê biển 7 và 850 m đê cửa sông Diêm Hộ; 105 phương tiện tàu, thuyền với 281 lao động; 65 chòi ngao và 175 đầm nuôi trồng thủy sản, tổng số 237 lao động. Để chủ động ứng phó bão số 3, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã yêu cầu các thành viên và các cụm PCTT, các thôn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa bão, không chủ quan, lơ là để kịp thời chỉ đạo ứng phó; khẩn trương kiểm đếm, thông báo và hướng dẫn các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển cập nhật thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão, thực hiện lệnh cấm biển từ 18 giờ ngày 20/7 và hoàn thành công tác di dời trước 17 giờ ngày 21/7; kiểm tra hệ thống sông trục, khơi thông, giải phóng dòng chảy, chủ động hạ thấp mực nước trong hệ thống, đề phòng mưa lớn gây ngập úng diện tích lúa mùa, cây màu; kiểm tra hệ thống đê điều, công trình PCTT trọng điểm xung yếu đê điều; thực hiện các biện pháp chằng chống bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, trụ sở, công trình công cộng; tổ chức trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.