Cách chăm sóc da khô, hay bị nứt nẻ vào mùa lạnh
Da bị khô, nứt nẻ, ngứa, đôi khi còn nứt thành vệt là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải, nhất là khi thời tiết bắt đầu vào đông lạnh và hanh khô như hiện nay.
Hệ lụy khi da bị khô, nứt nẻ
Khi da bị khô, điều đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy là cảm giác khó chịu và rát vùng da mặt. Cảm giác này dữ dội hơn khi để da tiếp xúc với nước. Không dừng lại ở đó, da khô còn gây ra nhiều tác hại lâu dài. Khi da bị khô, các chức năng bình thường của da không còn hoạt động hiệu quả nữa. Cảm giác xúc giác của da kém nhạy cảm hơn. Nguy cơ tổn thương da do ánh nắng mặt trời có tia cực tím cũng tăng lên. Từ đó, da bị lão hóa sớm và dễ bị viêm nhiễm khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, da bị khô, nứt nẻ chảy máu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Các biến chứng này thường xảy ra khi cơ chế bảo vệ của da bị tổn hại nghiêm trọng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào các mô bên dưới da, gây nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân da bị khô, nẻ vào mùa lạnh?
Vào mùa đông lạnh, cơ thể luôn có sự mất nước từ bên trong qua da hoặc khi ở lâu trong phòng điều hòa, sự mất nước này lại càng tăng mạnh, vì vậy da thường khô, dễ nứt nẻ, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già.
Trời càng lạnh thì da càng khô hơn, đây là do hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi trời lạnh. Hơn nữa trời lạnh nên ai cũng ngại uống nước, thường đợi khát mới uống, nên lượng nước cung cấp cho da ít đi, đó là lý do khiến da càng dễ bị khô nẻ hơn.
Với trẻ em, do da trẻ chưa có lớp bã nhờn và sự đàn hồi da còn kém bởi hệ thống sợi collagen non nớt nên khả năng chống chọi với mọi tác hại cũng thấp hơn nhiều lần so với người lớn. Chính các đặc điểm trên làm cho da bé dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và tình trạng nẻ khô ở trẻ em thường nặng hơn. Khi da bị khô nẻ, lớp thượng bì trên cùng trở nên thô, nhăn nheo, đôi khi bong hàng lớp tế bào da chết trông như bị mốc, nhiều trường hợp da trông xù xì. Một số người có thể bị ngứa nhẹ.
Cách xử trí khi da bị khô nẻ
Khi bị khô và nẻ, thông thường bệnh nhân nghĩ ngay đến việc dùng thuốc gì chữa nẻ, thế nhưng cách hữu hiệu nhất đó là tăng cường lượng nước cho da qua chế độ ăn.
Về chế độ ăn uống: nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất qua da về mùa đông. Nên tập thói quen uống nhiều nước, uống từ 1,5-2 lít nước/ngày; Mùa đông, ngoài việc phải tăng lượng calo để chống rét, nên bổ sung thêm rau xanh, quả tươi để cung cấp thêm các vitamin, đặc biệt là cam, chanh, bưởi, chuối…
Có thể dùng dưa chuột, cà chua, củ đậu rửa sạch, thái lát đắp mặt nạ trước khi đi ngủ. Khi đi ra ngoài trời nên đeo khẩu trang để hạn chế da bị tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi. Có thể dùng vaseline để thoa giữ ẩm cho cơ thể và các vùng thường bị nứt nẻ và khô, vùng bị lộ ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với môi trường.
Với da khô, dễ bị nẻ, việc chú ý giữ vệ sinh vùng nứt nẻ rất quan trọng. Cần rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2-3 lần bằng nước ấm vừa phải, không dùng nước nóng sẽ làm cho da mất nước nhiều hơn.
Không nên sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm chứa nhiều sút hay những sữa rửa mặt mạnh chứa thành phần tẩy da chết làm tăng khả năng khô da.
Sau khi rửa mặt, có thể bôi các chế phẩm làm ẩm, mềm da. Người sử dụng kem nẻ phải hết sức cẩn trọng, trước khi dùng nên bôi thử lên bề mặt da mu bàn tay 15 phút, nếu thấy không có phản ứng mới bôi lên mặt.
Đặc biệt là với trẻ nhỏ, bố mẹ nên lau sạch da bé bằng nước ấm rồi bôi lớp mỏng cetaphil, tạo thành lớp màng mỏng ngăn da trẻ bị mất nước hoặc chọn những loại kem giữ ẩm dành riêng cho trẻ em. Lưu ý tránh các sản phẩm có mùi thơm, chứa cồn vì có thể làm da thêm khô và có nguy cơ dị ứng cho bé.
Tuyệt đối không bôi các thuốc có chứa steroid để chữa khô nẻ vì có thể gây nên nhiều hậu quả xấu cho da. Tốt nhất trước khi dùng thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn kem, thuốc thích hợp với da của từng người.