Cải cách thể chế là khâu đột phá

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Cải cách thể chế là khâu đột phá, là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 12) đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và bế mạc chiều 19-7. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu bế mạc hội nghị.

Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng

Tổng Bí thư cho biết hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến sâu sắc, toàn diện và thống nhất cao đối với 3 nhóm nội dung trọng tâm có ý nghĩa chiến lược, định hướng lâu dài, trực tiếp phục vụ chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng và thúc đẩy quá trình tiếp tục đổi mới, phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Về định hướng các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ với tinh thần cách mạng tấn công, tinh thần tiếp tục đổi mới, Trung ương đã quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo tổng kết xây dựng Đảng thành Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ để trình Đại hội XIV của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu Báo cáo chính trị mới phải được hoàn thiện theo hướng: Bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, phản ánh đúng thực tiễn phát triển của đất nước, nhất là những thành tựu vượt bậc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đồng thời, xác định rõ các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIV và tầm nhìn đến năm 2045, 2050 và xa hơn nữa, gắn với 2 mục tiêu: 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ban Chấp hành Trung ương cũng yêu cầu Báo cáo chính trị mới phải khẳng định vai trò then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; tăng cường kiểm soát quyền lực; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao năng lực quản trị quốc gia và điều hành hoạt động của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị Ảnh: Nhật Bắc

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị Ảnh: Nhật Bắc

Thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết, kết luận của Trung ương để tạo cơ sở chính trị cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Trung ương đã xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc tổng kết thực tiễn, đánh giá các vướng mắc, bất cập trong một số luật và thể chế hiện hành, từ đó định hướng sửa đổi nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới.

Việc nghiên cứu xây dựng luật phải theo định hướng: Các quy định của luật pháp phải cơ bản mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; những luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Đối với lĩnh vực đất đai, tập trung nhấn mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu, quy hoạch, sử dụng đất, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Cần nhấn mạnh đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là yếu tố đầu vào quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; quản lý và sử dụng đất đai phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân.

Đối với lĩnh vực quy hoạch: Cần tháo gỡ chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, vùng, địa phương; việc đều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết và cấp bách.

Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo; không lấy mức độ tự chủ tài chính làm căn cứ để xác định mức độ tự chủ đối với cơ sở giáo dục - đào tạo công lập.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Cải cách thể chế là khâu đột phá, là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Do đó, yêu cầu các cấp, các ngành chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Công tác cán bộ: "Then chốt của then chốt"

Đáng chú ý, về phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương thống nhất nhận định: Phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng là văn bản đặc biệt quan trọng, quyết định toàn bộ công tác chuẩn bị và bầu cử nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, góp phần vào thành công Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư lưu ý công tác cán bộ là khâu "then chốt của then chốt"; vì vậy, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng cần phải tiến hành một cách đồng bộ, khoa học, bài bản, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch; bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của pháp luật. Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải tuân thủ, giữ vững quan điểm, nguyên tắc cơ bản của Đảng; phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, phát triển; đặc biệt đề cao chất lượng, hiệu quả, sản phẩm công tác, sự cống hiến của cán bộ để làm thước đo trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

"Kiên quyết không để "lọt" những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; đồng thời, phải có giải pháp, biện pháp hiệu quả để hạn chế, sớm khắc phục tình trạng nhân sự vừa được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc mới được quy hoạch, bổ nhiệm đã phải xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự" - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Về định hướng phân bổ cơ cấu, số lượng ủy viên Trung ương Đảng chính thức khóa XIV cho các địa phương, cơ quan, đơn vị, Trung ương tán thành, thống nhất cao và cho rằng định hướng phân bổ được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, chặt chẽ, có tính kế thừa, sát với tình hình thực tiễn và có tính thuyết phục.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị tổ chức quán triệt sâu rộng các kết luận của Hội nghị Trung ương 12. Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi pháp luật theo hướng thúc đẩy đổi mới, phát triển, tháo gỡ các rào cản, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương 2 cấp vận hành tốt

Hội nghị ghi nhận báo cáo bước đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành, với 3.321 xã, phường, đặc khu với không gian được tổ chức lại theo hướng bổ sung, hỗ trợ, tạo động lực nội sinh cho từng tỉnh, từng vùng và trên phạm vi toàn quốc.

Ban Chấp hành Trung ương nhận thấy kết quả sơ bộ sau 19 ngày triển khai, bộ máy cơ bản vận hành tốt, không có trục trặc lớn, cán bộ - công chức bước đầu thích ứng; quy trình xử lý công việc tương đối thông suốt, dịch vụ công được giải quyết nhanh hơn; nhân dân bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng mô hình mới sẽ hiệu quả hơn.

Trung ương giao Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương; Đảng ủy MTTQ và các đoàn thể Trung ương, Đảng ủy các tỉnh, thành tiếp tục theo dõi sát tình hình, sơ kết toàn diện sau 6 tháng để kiến nghị điều chỉnh phù hợp thực tiễn.

Tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp

Về đại hội Đảng bộ các cấp, Ban Chấp hành Trung ương xác định: Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp theo lộ trình: Đại hội cấp cơ sở hoàn thành trước ngày 31-7-2025, Đại hội cấp trên trực tiếp cơ sở và Đảng bộ xã, phường, đặc khu hoàn thành trước ngày 31-8-2025; đại hội Đảng bộ cấp tỉnh và Đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trước ngày 31-10-2025. Trung ương yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc khẩn trương triển khai kế hoạch tổ chức đại hội các cấp, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để bị động, chậm trễ hoặc để xảy ra mất đoàn kết nội bộ.

THẾ DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cai-cach-the-che-la-khau-dot-pha-196250719210913765.htm