Cải thiện môi trường và chiến lược thu hút đầu tư
Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án có thế mạnh như du lịch, dịch vụ, năng lượng sạch, dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Triển khai kịp thời nhiều chính sách
Trong 2 tháng đầu năm 2022, FDI đăng ký vào Bắc Ninh đạt mức cao nhất cả nước, vượt 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng số vốn đầu tư đăng ký, gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,8 triệu USD và điều chỉnh vốn cho 22 dự án với tổng số vốn điều chỉnh tăng hơn 1,252 tỷ USD. Riêng 2 dự án có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), điều chỉnh tăng vốn thêm gần 941 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Goertek) được điều chỉnh tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại Khu công nghiệp Quế Võ.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quang Thành cho biết, cùng với những giải pháp tích cực từ Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh ban hành và triển khai kịp thời nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, việc thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan. Hầu hết các dự án thu hút mới và đăng ký tăng vốn đều thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn đầu tư của tỉnh.
Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thực hiện, sửa đổi một số điều của Quy định trình tự thủ tục thực hiện các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 11.12.2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 - 2025; Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 10.9.2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 26.8.2020 về phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện rà soát quỹ đất, xây dựng và ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, gồm 47 dự án kêu gọi vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục - đào tạo, đồng thời thực hiện công khai, minh bạch thông tin về đất đai, quy hoạch, kế hoạch, danh mục kêu gọi đầu tư trên phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhưng năm 2021, Bắc Ninh đã chủ động, tích cực tham gia hội nghị quốc tế về xúc tiến đầu tư, các hội nghị lớn do các bộ, ngành Trung ương tổ chức; tiếp tục duy trì quan hệ và cung cấp thông tin cho các tổ chức xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp KOTRA (Hàn Quốc), JETRO (Nhật Bản), Amcham (Hoa Kỳ), EuroCham (châu Âu)…; ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương, UBND tỉnh Bắc Ninh và đại diện tổ hợp Samsung tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Hạ tầng KCN Yên Phong được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư và hoạt động hiệu quả.
Phát triển bền vững khu, cụm công nghiệp
Thông qua hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tính đến hết năm 2021, các khu công nghiệp Bắc Ninh có 1.150 dự án đang hoạt động, với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 2.645ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt xấp xỉ 53,57%. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển, với tổng diện tích gần 6.400ha, trong đó, 10/16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của nhiều cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh; một số cụm gây ô nhiễm nghiêm trọng, công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả chưa cao. Thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp do UBND cấp xã, huyện làm chủ đầu tư hạ tầng hạn chế, nên quá trình chuyển đổi mô hình chủ đầu tư còn chậm, đòi hỏi cần có phương án khắc phục sớm để các cụm công nghiệp phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung mới Danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2023, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với nhu cầu thực tế về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhà đầu tư; tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong thu hút đầu tư; tìm kiếm, thiết lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn tại Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước do tỉnh tổ chức.
Với định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh trong giai đoạn tới là thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, các dự án FDI, công nghệ cao thì việc thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai, mặt bằng, tín dụng, nâng cao năng lực sản xuất, mà còn tạo động lực để gia nhập các chuỗi sản xuất toàn cầu, cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các dự án FDI đang đầu tư tại tỉnh.