Cam kết mạnh mẽ của Thừa Thiên - Huế về di sản văn hóa
Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Ngày 23-11, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo điện Thái Hòa, đón nhận Bằng công nhận Di sản tư liệu UNESCO về "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng Hoàng cung Huế" và động thổ phục hồi điện Cần Chánh.
Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Thành Long; ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.
Đây là chuỗi sự kiện nhân dịp 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11.1945 - 23.11.2024).
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Ngày 8-5, tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Việc UNESCO công nhận "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời đem đến cho Huế vị thế là địa phương duy nhất có 8 di sản được UNESCO công nhận.
Cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tuyên bố dự án "Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa" với kinh phí 129 tỉ đồng hoàn thành, chính thức được đưa vào phục vụ tham quan; đồng thời tiến hành động thổ công trình "Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh".
Đây là hai công trình quy mô và có vai trò quan trọng bậc nhất trong khu vực Hoàng thành và Tử Cấm thành của Đại nội Huế.
Theo ông Phương, điều đó đã chứng minh công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Huế từng bước được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Phương khẳng định tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của quốc tế và Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.