'Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là vấn đề cấp bách, Quốc hội phải xử lý ngay'
Ông Nguyễn Trường Giang khẳng định, ĐBQH đều thống nhất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người.
Vấn đề phải xử lý cấp bách
Chiều 30/11, ngay sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi họp, báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến việc đưa quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025 trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8.
Thông tin về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, cử tri và nhân dân nhiều lần kiến nghị việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ông Nguyễn Trường Giang khẳng định, ĐBQH đều thống nhất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ em.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thuộc thẩm quyền của Quốc hội và đây là vấn đề phải xử lý cấp bách.
Do đó, Quốc hội đã xử lý ngay vấn đề thuộc thẩm quyền, đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 8 chứ không chờ sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Liệu có tình trạng "không quản được thì cấm"?
Tại buổi họp báo, nội dung Quốc hội vừa thông qua Luật Dược được các phóng viên quan tâm đặt câu hỏi. Đặc biệt, về quy định về bán thuốc online, hiện có một số ý kiến cho rằng, chúng ta đã triển khai ứng dụng công nghệ trong khám sức khỏe từ xa, sổ sức khỏe điện tử… liệu Quốc hội có nghiên cứu việc thời gian tới sẽ cho phép bán thuốc kê đơn qua online để thuận lợi cho người dân? Liệu có tình trạng "không quản được thì cấm"?.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cho biết, đây là vấn đề mới, trong quá trình thảo luận về vấn đề này đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau: Có ý kiến cho rằng cần cấm hẳn không cho bán thuốc qua online; cũng có ý kiến nên cho bán cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn; ý kiến chỉ nên cho bán thuốc không kê đơn và không cho phép thuốc kê đơn bán qua online.
Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua cho phép bán thuốc không kê đơn trên online và bán thuốc kê đơn chỉ khi có các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A xảy ra.
Việc bán thuốc kê đơn trên thương mại điện tử phụ thuộc vào kinh nghiệm quản lý, điều kiện đảm bảo vì thuốc không giống hàng hóa thông thường, mà là dạng hàng hóa đặc biệt vì có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Hiện nay, chúng ta đã triển khai các hình thức bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử… Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ và chưa tạo sự thống nhất trên toàn quốc. Hiện cũng chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế hoàn thiện cũng như việc kê đơn điện tử, liên thông kết quả cũng còn rất khó khăn.
Khi nào các điều kiện hoàn thiện, bảo đảm được về điều kiện kiểm soát và quản lý tốt việc bán thuốc online thì Chính phủ sẽ xem xét và trình để sửa về vấn đề này.
Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra
Trước đó, thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, sau 29,5 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với việc xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và nhiều vấn đề quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cùng một số nội dung quan trọng khác.