Campuchia trấn áp tội phạm trực tuyến

Ngày 19-7, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia Neth Pheaktra cho biết các nhà chức trách tiếp tục tăng cường chiến dịch trấn áp hoạt động lừa đảo trực tuyến

Các nhà chức trách bắt giữ ít nhất 500 nghi phạm tại tỉnh Kandal gần thủ đô Phnom Penh và tỉnh Stung Treng ở Đông Bắc đất nước chỉ trong 2 ngày 17 và 18-7.

Các cuộc đột kích mới nhất đã nâng tổng số người bị bắt giữ liên quan đến hoạt động lừa đảo trực tuyến lên 2.137 người, tính từ khi chiến dịch bắt đầu hôm 27-6 đến nay. Các nghi phạm bị bắt trong các cuộc đột kích tại 43 địa điểm khác nhau trên khắp Campuchia, bao gồm nhiều người nước ngoài từ Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan, Lào, Ấn Độ, Philippines, Myanmar…

Tang vật thu giữ từ một trung tâm lừa đảo trực tuyến ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh - Campuchia trong vụ đột kích hôm 18-7 Ảnh: AP

Tang vật thu giữ từ một trung tâm lừa đảo trực tuyến ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh - Campuchia trong vụ đột kích hôm 18-7 Ảnh: AP

Bộ trưởng Pheaktra cho biết cuộc trấn áp này của Campuchia "chắc chắn sẽ tiếp tục", với nhiệm vụ rõ ràng từ giới lãnh đạo cấp cao là xóa bỏ mọi hoạt động tội phạm mạng bất hợp pháp. Quan chức này cũng khẳng định chiến dịch được củng cố bởi chỉ thị ban hành ngày 14-7 của Thủ tướng Hun Manet, đe dọa sẽ điều chuyển hoặc sa thải công chức ở mọi cấp nếu họ không hành động mạnh mẽ chống lại các vụ lừa đảo trực tuyến.

Theo báo cáo của Ủy viên Cảnh sát Quốc gia được ông Pheaktra trích dẫn, các vụ bắt giữ mới nhất diễn ra sau hơn 2.400 trường hợp khác trong 6 tháng đầu năm, liên quan đến 18 hoạt động lừa đảo bị cáo buộc ở nhiều nơi khác nhau tại Campuchia. Các vụ bắt giữ này đã dẫn đến 73 vụ truy tố và hơn 2.300 người nước ngoài bị trục xuất.

Theo AP, những người làm việc tại các trung tâm lừa đảo thường bị tuyển dụng bằng các chiêu trò như giả vờ kết bạn hoặc hứa hẹn các cơ hội đầu tư giả…, sau đó bị ép buộc hoạt động dưới sự canh gác chặt chẽ. Báo cáo của Liên hợp quốc và các cơ quan khác ước tính các vụ lừa đảo qua mạng, phần lớn xuất phát từ Đông Nam Á, mang về cho các băng nhóm tội phạm quốc tế hàng tỉ USD mỗi năm.

"Những người tìm việc trên khắp châu Á và xa hơn nữa bị những lời hứa việc làm thu nhập cao dụ dỗ sa chân vào các trại lao động như địa ngục. Các trại này được điều hành bởi nhiều nhóm tội phạm có tổ chức và bắt nạn nhân lừa đảo dưới sức ép bạo lực" - một báo cáo quốc tế công bố vào tháng trước mô tả.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/campuchia-tran-ap-toi-pham-truc-tuyen-196250719210518638.htm