Cần bảo đảm an toàn cho người dân khi khai thác mỏ đất
Để phục vụ thi công dự án, công trình, tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác mỏ đất ở núi Cộng Hòa, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân dưới chân núi, chính quyền địa phương và đơn vị triển khai phương án phòng, chống sạt lở trong mùa mưa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại tại khu vực khai thác đất lộ thiên, nhất là khi ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho phép các đơn vị nâng công suất khai thác ngay trong mùa mưa.
Lo ngại bùn, đá trên cao
Gần 3 năm qua, mỏ đất ở núi Cộng Hòa ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành được các đơn vị khai thác phục vụ dự án, công trình. Sống dưới chân núi, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo cùng nhiều hộ dân cách mỏ đất hơn 100 m, được chắn bởi vườn keo đang phát triển. Từ dưới nhìn lên lưng chừng núi, mỏ đất lộ thiên lồi lõm nhiều khoảng đất đồi đang khai thác dở dang. Bà Thảo cho biết, đầu mùa mưa, nước bùn từ trên núi cao tràn xuống khu dân cư, vào vườn trồng cây của gia đình và một số hộ xung quanh. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền địa phương đã kiểm tra và doanh nghiệp khắc phục, tạo hồ lắng nước bùn xung quanh chân núi và khu vực mỏ đất.
“Gia đình tôi đắp bờ mương phía sau vườn giáp chân núi để cản nước bùn. Họ cũng làm hố lắng rồi nên đỡ hơn. Lo nhất là nếu mưa lớn sợ sạt lở từ trên cao xuống. Tôi mong họ khai thác nhanh để phục hồi trả lại mặt bằng ổn định”, bà Thảo bày tỏ.
Ông Đặng Văn Lang sống dưới chân núi Cộng Hòa cho biết “Nhà chú cách mỏ đất 100m chỗ công ty Phúc Bảo An khai thác. Họ tạo khoảng trũng sâu nên đất đá đổ xuống trũng cũng không lo lắm. Xã yêu cầu gia đình ký cam kết nếu sạt lở thì di dời ngay. Tất cả các hộ dân ở đây đều ký”.
Tại núi Cộng Hòa, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi cấp phép cho Công ty TNHH Vận tải Phúc Bảo An khai thác đất bằng phương pháp khai thác lộ thiên để làm vật liệu san lấp. Theo giấy phép, trên diện tích 3,4 ha, đơn vị khai thác trữ lượng 180.600 m3, với công suất 45.000m3/năm và thời gian khai thác hơn 4 năm.
Đến tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục cấp phép cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả khai thác đất ở núi Cộng Hòa làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên. Theo giấy phép, trên diện tích 19,8 ha, doanh nghiệp khai thác trữ lượng 1,1 triệu m3, công suất 600.000 m3/năm và trong thời gian 2,5 năm để phục vụ thi công cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
Tại khu vực khai thác mỏ đất của Công ty TNHH Vận tải Phúc Bảo An, hàng trăm khối đá tự nhiên nhiều kích cỡ nằm rải rác chung quanh mỏ. Một số tảng đá được đưa xuống vùng trũng trong phạm vi mỏ đất, một số xếp chất cao chờ xử lý. Đây là khối lượng đá dư thừa được doanh nghiệp phân loại trong quá trình khai thác đất. Lo ngại nhất khi mưa lớn hoặc lũ từ trên núi cao đẩy đá xuống khu dân cư. “Số đá thừa trong quá trình khai thác mỏ đất không thể sử dụng nên chúng tôi để lại sau này sắp xếp hoàn nguyên mỏ. Để an toàn, chúng tôi sẽ sắp xếp đá xuống khu vực trũng tránh đổ xuống bên dưới”, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Bảo An Nguyễn Ngọc Ánh cho biết.
Tiếp giáp mỏ đất của Công ty TNHH Vận tải Phúc Bảo An, mỏ đất cấp cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng đang khai thác dở dang phục vụ dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. Mặt bằng trong phạm vi khai thác mỏ đất của đơn vị này đã được san ủi bằng phẳng hơn. Tuy nhiên, do diện tích khai thác của mỏ đất lớn, từ đỉnh núi xuống bên dưới gần khu dân cư có độ dốc cao, sườn dốc nhiều. Vì vậy, lượng nước bùn ở khu vực núi đã san ủi, khai thác đất đẩy xuống khu dân cư. “Chúng tôi tạo các hố lắng bùn, hồ chứa nước nhỏ để giữ nước không cho đổ xuống vùng dân cư. Công ty bố trí phương tiện, người trực ở mỏ đất để xử lý nếu có phát sinh mới”, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả thông tin.
Dưới chân núi Cộng Hòa, nơi hai mỏ đất đang khai thác, có 26 hộ với hơn 100 khẩu sinh sống bị ảnh hưởng trực tiếp nếu sạt lở núi, lũ bùn. Để bảo đảm an toàn cho người dân, các đơn vị đã có phương án phòng chống ứng phó thiên tai; trong đó tập trung kiểm tra an toàn phương tiện thi công, tổ chức trực tại khu vực khai thác để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, di dời dân trong tình huống sạt lở núi.
Tiếp tục nâng công suất khai thác đất trong mùa mưa
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hành Thiện Phạm Thị Bích Hoa, khai thác đất phục vụ công trình là cần thiết nhưng địa phương cũng lo sạt lở nên kiểm tra liên tục. Ngay từ đầu mùa mưa, chính quyền địa phương và các đơn vị triển khai phương án phòng chống thiên tai và di dời dân khi cần. “Hiện nay các đơn vị dừng khai thác do mùa mưa. Xã thường xuyên kiểm tra các hố lắng nước bùn. Lo ngại mưa lớn tạo dòng chảy xuống dưới núi và nếu lượng bùn quá nhiều sẽ vỡ hố lắng, bùn tràn xuống khu dân cư. Xã và các đơn vị thường xuyên chủ động kiểm tra để xử lý ngay”, bà Hoa khẳng định.
Theo giấy phép cấp cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, trữ lượng cấp phép khai thác hơn 1,1 triệu khối, công suất 600.000 m3/năm. Sau hơn 1 năm đơn vị này đã khai thác gần 880.000 m3 đất nguyên thổ. Theo doanh nghiệp này, với khối lượng còn lại trong năm 2024 là 319 m3 không đủ thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. Vì vậy, cuối tháng 10/2024, công ty xin điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ đất núi Cộng Hòa, thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành; nâng công suất khai thác năm 2024 lên hơn 877.000m3 đất nguyên thổ/năm, tăng 46,2% so công suất đã cấp phép.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh công suất khai thác mỏ đất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ngày 8/11/2024, tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nâng công suất theo kiến nghị và thời gian khai thác tại mỏ đất Mễ Sơn đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, yêu cầu đơn vị thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan, phục hồi môi trường sau khai thác…
Cho phép các đơn vị nâng công suất khai thác mỏ đất trong mùa mưa nhưng ngành chức năng, chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chưa bổ sung các biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho người dân sống ở khu vực mỏ đất. "Hiện công ty vẫn dùng phương án phòng chống thiên tai cũ và chưa có phương án bổ sung mới. Công ty đang sửa lại phương án", đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết.
“Mùa mưa mà nâng công suất thì phải tính toán phương án phòng chống sạt lở, nước, bùn cho phù hợp. Quy mô khai thác lớn thì giải pháp phải thay đổi để an toàn cho chúng tôi”, đại diện người dân thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện kiến nghị.
Thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành, hiện chính quyền địa phương và đơn vị khai thác mỏ đất đang bổ sung các phương án phòng, chống mưa bão khi nâng công suất khai thác khoáng sản tại núi Cộng Hòa.