Cần bảo vệ mắt cho học sinh khi học trực tuyến

Để duy trì việc học tập của học sinh trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động dạy, học trực tuyến được ngành giáo dục và đào tạo áp dụng trên địa bàn TP. Đông Hà. Tuy nhiên, việc học trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử trong nhiều giờ và sử dụng máy tính quá thời gian quy định luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là mắt.

 Học sinh cần được nghỉ 15 phút sau hai giờ sử dụng máy tính liên tục - Ảnh: T.L

Học sinh cần được nghỉ 15 phút sau hai giờ sử dụng máy tính liên tục - Ảnh: T.L

Chị Đặng Thị Châu Minh ở phường Đông Lễ, TP. Đông Hà có 2 con gái đang học lớp 1 và lớp 8. Thời gian 1 tháng trước năm học mới cháu lớp 8 đã học phụ đạo, học thêm một số môn trực tuyến nên gần đây cháu hay kêu đau đầu, mắt bị khô, nhức mỏi và nhìn không rõ. Để chuẩn bị tiếp tục học trực tuyến vào đầu năm học mới do thành phố thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, chị đưa hai cháu đi khám mắt. Sau khi hỏi tình hình, đo thị lực, khám mắt toàn diện, bác sĩ chẩn đoán mắt con gái lớn của chị mắc bệnh lý liên quan đến việc sử dụng máy tính nhiều giờ liên tục, gọi là hội chứng thị giác máy tính. Có nghĩa là mức độ khó chịu ở mắt gia tăng tỉ lệ thuận với thời lượng sử dụng máy tính. Bác sĩ kê đơn thuốc và khuyên con chị nên điều chỉnh thời lượng tiếp xúc với màn hình máy tính, để tránh gây tổn hại cho thị lực. Trước tình hình này, chị rất lo lắng vì lịch học trực tuyến vào năm học mới của con dày đặc 4 - 5 tiết/ngày và 6 ngày/tuần, chưa kể các buổi học phụ đạo theo lịch của trường.

Còn cháu vào lớp 1, cũng học trực tuyến 5 buổi/tuần vào các buổi tối. Chị phải ngồi bên cạnh hỗ trợ cháu học tập khoảng 2 giờ đồng hồ qua điện thoại thông minh, cháu cũng có hiện tượng mỏi và khô mắt. Đem các con đi khám chị mới biết thời gian qua do gia đình sơ suất nên đôi mắt của các con chị phải điều tiết trong điều kiện ánh sáng yếu, độ chói trên màn hình máy tính cao, ngồi không đúng khoảng cách, ngồi sai tư thế…và các cháu sử dụng máy tính nhiều nên làm cho các triệu chứng về mắt tăng lên. “Tôi mong muốn nhà trường cho các cháu lớp 1 học trực tuyến mỗi buổi 1 giờ để đảm bảo về sức khỏe thị giác cho các cháu”, chị Châu Minh chia sẻ.

Đối với những học sinh cuối cấp, các em phải chuẩn bị tốt cho các kỳ thi quan trọng trong năm nên đòi hỏi nỗ lực học tập nhiều hơn, vì vậy thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử tăng lên đáng kể. Em Nguyễn Thục Quyên, học sinh lớp 12, Trường THPT Đông Hà chia sẻ, hằng ngày em học trực tuyến theo lịch của trường, rồi học ôn tập qua các trang web luyện thi trên mạng nên em phải dùng máy tính lên đến 10 - 12 giờ/ngày, thậm chí nếu tiếp tục đọc sách, báo giải trí bằng các thiết bị thông minh thì thời lượng sử dụng máy có thể lên tới 13 - 14 giờ. Ngay khi thấy nhức mỏi và mờ mắt, em liền đi khám bác sĩ chuyên khoa, được chẩn đoán em mắc hội chứng thị giác máy tính. Em rất lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, khó kiểm soát dẫn đến việc học trực tuyến kéo dài, sẽ khó khăn trong điều chỉnh phù hợp việc sử dụng máy tính để tránh ảnh hưởng thị lực.

Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị, bác sĩ Bùi Thị Vân Anh cho biết, qua khám bệnh trên địa bàn thời gian gần đây cho thấy nhiều học sinh mắc hội chứng thị giác máy tính. Đây là một nhóm bệnh lý mắt và thị lực liên quan đến việc sử dụng máy tính thường xuyên từ 2 giờ trở lên mỗi ngày. Thông thường đọc trên màn hình máy tính khác với đọc trang in. Các chữ cái trên màn hình máy tính ít sắc nét và ít ổn định; mức độ tương phản của các chữ cái với hình nền thấp, cùng với ánh sáng chói và phản xạ trên màn hình khiến việc nhìn khó khăn hơn so với nhìn trang in. Thêm vào đó, khoảng cách và góc độ người ngồi sử dụng máy tính thường khác với người ngồi viết. Do đó, độ tập trung và yêu cầu chuyển động mắt để xem máy tính sẽ lớn hơn. Khi nhu cầu thị giác của công việc vượt quá khả năng thị giác của con người thì hội chứng xảy ra. Nếu không có các biện pháp điều chỉnh sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng của hội chứng ảnh hưởng đến chất lượng học tập và công việc hằng ngày.

Theo bác sĩ Bùi Thị Vân Anh, giải pháp cho các vấn đề mắt liên quan máy tính rất đa dạng. Tuy nhiên, với hội chứng thị lực máy tính có thể được giảm nhẹ nhờ chăm sóc mắt thường xuyên và thay đổi trong cách thức sử dụng màn hình máy tính. Đối với học sinh, tối ưu nhất, màn hình máy tính nên được đặt ở vị trí dưới tầm mắt từ 15 - 20 độ (mắt hơi nhìn xuống) và cách xa với mắt người dùng từ 50 - 60 cm. Phụ huynh chọn vị trí đặt màn hình để tránh ánh sáng chói, đặc biệt là từ ánh sáng trên cao hoặc từ cửa sổ. Dùng mành hoặc rèm treo ở các cửa sổ và thay thế các bóng đèn điện dài bằng đèn bàn công suất thấp hơn. Nếu không có cách nào để giảm thiểu tia chói từ nguồn ánh sáng, nên sử dụng bộ lọc ánh sáng chói cho màn hình nhằm làm giảm lượng ánh sáng phản xạ từ màn hình. Cùng với đó, cần có ghế ngồi phù hợp với cơ thể. Chiều cao ghế phải được điều chỉnh để chân của các em phẳng ngang trên sàn nhà. Để khỏi mỏi mắt, cần phải nghỉ 15 phút sau hai giờ sử dụng máy tính liên tục. Ngoài ra, sau mỗi 20 phút sử dụng máy tính, nên nhìn vào khoảng không hay nhìn vào 1 điểm ở khoảng cách 6 mét trong 20 giây để mắt có cơ hội tái tập trung. Để giảm thiểu nguy cơ bị khô mắt do sử dụng máy tính, nên chớp mắt thường xuyên giúp mắt luôn ẩm ướt.

Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích con em dành thời gian hoạt động ngoài trời, với ánh sáng tự nhiên, để bảo vệ mắt hiệu quả. Đặc biệt, nên đưa con em đi kiểm tra mắt thường xuyên và nhắc nhở các em có thói quen sử dụng máy tính thích hợp có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm sự phát triển của các triệu chứng liên quan đến bệnh lý về mắt và thị lực. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống lành mạnh cũng vô cùng quan trọng đối với mắt.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=160720&title=can-bao-ve-mat-cho-hoc-sinh-khi-hoc-truc-tuyen