Căn bệnh trẻ có nguy cơ mắc phải khi vừa chào đời

Trẻ sơ sinh dễ phát triển viêm gan B thành mạn tính cao hơn so với người lớn do sức đề kháng còn yếu.

 Trẻ sơ sinh là nhóm có nguy cơ nhiễm viêm gan B cao nhất từ mẹ. Ảnh: Unsplash.

Trẻ sơ sinh là nhóm có nguy cơ nhiễm viêm gan B cao nhất từ mẹ. Ảnh: Unsplash.

Viêm gan B là bệnh gây ra do nhiễm virus viêm gan B (HBV), gồm 2 loại:

- Viêm gan B cấp tính: Bệnh sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, dưới 6 tháng kể từ nhiễm virus và tự khỏi sau khoảng 2-3 tháng mà không cần điều trị.

- Viêm gan B mạn tính: Virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể bệnh nhân trên 6 tháng, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như ung thư gan, viêm gan mạn tính, xơ gan...

Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trẻ em có nguy cơ viêm gan B phát triển thành mạn tính cao hơn so với người lớn. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, máu và chất dịch có chứa virus của mẹ khi truyền vào cơ thể có thể phát triển nhanh chóng dẫn đến viêm gan B.

Virus viêm gan B lây lan thông qua 3 con đường: máu, quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu gây viêm gan B cho trẻ là từ mẹ sang con.

Tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào thời điểm người mẹ nhiễm bệnh. Nếu người mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ lây sang con chỉ 1%. Tuy nhiên, con số này lần lượt tăng lên 10% và 60% nếu người mẹ mắc bệnh trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Ngoài ra, em bé có tới 90% khả năng mắc viêm gan B nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh.

Bệnh viêm gan B thường diễn biến rất âm thầm, ít biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Trẻ sơ sinh mắc viêm gan B cấp tính có thể gặp số biểu hiện như vàng da, bú chậm, nước tiểu vàng và có kết quả xét nghiệm chỉ số men gan tăng cao.

Người mắc viêm gan B mạn tính có thể có các biến chứng nguy hiểm khác như xơ gan, ung thư gan...

Hiện bệnh viêm gan B vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm. Cách phòng tránh duy nhất là tiêm vaccine.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ sơ sinh nên được tiêm phòng viêm gan B ngay sau sinh trong vòng 24 giờ.

Bên cạnh đó, trẻ có mẹ nhiễm viêm gan B cần được tiêm thêm một mũi huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12-24 giờ đầu tiên để tạo miễn dịch thụ động. Trẻ cũng cần được xét nghiệm kiểm tra khả năng kháng virus viêm gan B để chắc chắn không lây nhiễm viêm gan B từ mẹ.

Bên cạnh tiêm phòng cho trẻ, người mẹ cần tầm soát viêm gan B trước và trong thời kỳ mang thai để được điều trị và kiểm soát hoạt động của virus nếu có, từ đó ngăn chặn nguy cơ gây bệnh cho trẻ.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-benh-tre-co-nguy-co-mac-phai-khi-vua-chao-doi-post1466289.html