Cán bộ coi thi cần lưu ý thí sinh lẩm nhẩm đọc đề

Trong quá trình thi, giám thị cần chú ý những thí sinh có biểu hiện như miệng lẩm nhẩm đọc đề hoặc phát ra rõ tiếng sau khi nhận đề thi; không tập trung làm bài, biểu hiện lén lút.

 Cán bộ coi thi cần có các kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn gian lận thi cử. Ảnh minh họa: Flickr.

Cán bộ coi thi cần có các kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn gian lận thi cử. Ảnh minh họa: Flickr.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị Hướng dẫn coi thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, tổ chức sáng 4/6.

Tại hội nghị, cán bộ coi thi được hướng dẫn cách nhận diện và ngăn chặn việc thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận; hướng dẫn phương án xử lý các tình huống bất thường trong quá trình coi thi như thí sinh bị ốm, thí sinh đến muộn.

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PA06 Công an TP Hà Nội, với sự phát triển khoa học công nghệ, ngày càng xuất hiện nhiều thiết bị nhỏ hơn, tinh vi, bí mật, dễ che giấu và khó phát hiện hơn nhằm gian lận trong thi cử.

Bà Hằng lưu ý các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử không chỉ diễn ra với thí sinh mà còn diễn ra với cả giáo viên và phụ huynh.

Một số thiết bị gian lận có thể kể đến như tai nghe siêu nhỏ (kích thước bằng hạt đậu, hạt gạo) liên kết với một thiết bị có gắn SIM điện thoại để hỗ trợ cuộc gọi hoặc được thiết kế ngụy trang dưới nhiều dạng vật dụng (trong thẻ ATM, bút viết, kính mắt, đồng hồ thông minh...).

Ngoài ra còn có thiết bị ghi hình ngụy trang dạng khuy áo, thiết bị ghi hình ngụy trang dạng vòng hoặc đồng hồ đeo tay...

Thí sinh có thể giấu các thiết bị này trong người, trong vật dụng cá nhân mang vào phòng thi, cố ý đưa vào phòng thi để chụp ảnh, thu âm đề thi và gửi ra bên ngoài.

Sau đó, các đối tượng ở bên ngoài tiếp nhận, giải bài thi và gửi bài giải vào bên trong phòng thi cho thí sinh gian lận.

Một số thiết bị gian lận trong thi cử thường gặp. Ảnh: Ngọc Bích.

Một số thiết bị gian lận trong thi cử thường gặp. Ảnh: Ngọc Bích.

Để ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công nghệ cao trong phòng thi, cán bộ coi thi cần nhận biết, phát hiện thông qua quan sát đặc điểm vật dụng.

"Để phát hiện các thiết bị kỹ thuật gian lận vào phòng thi, vai trò của cán bộ coi thi rất quan trọng. Các mánh khóe gian lận rất tinh vi, thiết bị ngụy trang khéo léo, rất khó phát hiện, song cán bộ coi thi vẫn có thể nhận biết, phát hiện thông qua quan sát một số đặc điểm", bà Hằng nói.

Theo đó, cán bộ coi thi lưu ý quan sát toàn bộ bề mặt của vật dụng để xác định các dấu hiệu bất thường khác với tính năng của vật dụng, đảm bảo không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin, không có lỗ cắm jack nguồn, lỗ mic, ống kính camera.

Cán bộ coi thi cũng cần lưu ý tâm lý thí sinh. Thí sinh gian lận luôn tìm mọi cách để che giấu hành vi của mình, luôn thụ động, luôn có những biểu hiện khác thường, lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên. Thời tiết nóng bức nhưng thí sinh lại mặc áo dài tay, áo nhiều lớp, cổ áo, túi áo cộm đồ vật, để tóc dài trùm tai, trùm gáy.

Sau khi nhận được đề thi, thí sinh có thể phát sinh những biểu hiện như miệng lẩm nhẩm đọc đề hoặc đọc phát ra rõ tiếng, quá trình làm bài thi không tập trung, thể hiện chờ đợi thông tin qua thiết bị giấu trong người, ngồi không yên hay quan sát cán bộ coi thi, hay để tay lên mặt, vị trí tai vì thiết bị trong tai có thể gây ngứa, khó chịu...

Một số dấu hiệu bất thường khác của thí sinh như nhìn vào tay, sử dùng tay điều chỉnh thiết bị nếu sử dụng đồ hồ có màn hình hiển thị, đeo vòng tay, nhẫn khác bình thường...

Những thí sinh sử dụng tai nghe đa phần được nhét vào tai phải, lúc này, các em có xu hướng nghiêng đầu sang bên trái để tránh rơi tai nghe ra ngoài.

"Như vậy, cán bộ coi thi tại các phòng thi đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện hành vi gian lận trong thi cử", bà Hằng nhấn mạnh.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2024-2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/6, với 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (thí sinh chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn).

Thí sinh đăng ký vào các lớp chuyên, trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên vào ngày 10/6. Bài thi Ngữ văn và Toán có thời gian làm bài 120 phút, thi theo hình thức tự luận. Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, 60 phút làm bài.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-bo-coi-thi-can-luu-y-thi-sinh-lam-nham-doc-de-post1478922.html