Cần cách ứng xử có tầm nhìn với di sản

Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có ý kiến rộng đường dư luận khi mới đây khách sạn 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama xây dựng án ngữ tầm nhìn hẻm vực Tu Sản từ con đèo nổi tiếng của Hà Giang, mảnh đất thượng cùng của Tổ quốc. Theo đó, trong suốt quá trình xây dựng công trình này, Cục Di sản văn hóa không nhận được bất cứ văn bản nào đề nghị thẩm định của địa phương theo Điều 32, Luật Di sản văn hóa.

Công trình nhà hàng xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Internet

Công trình nhà hàng xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Internet

Hẻm vực Tu Sản trên sông Nho Quế nằm giữa 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc trong số 5 huyện Cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang). Khu vực này gồm con đèo đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng hẻm vực Tu Sản, hệ thống sườn dốc núi, thác nước, hang ngầm và dòng sông Nho Quế chảy qua. Hẻm vực Tu Sản kỳ vĩ sâu 700m, vách dốc 70-90 độ, dài 1,7km, thuộc khu vực bảo vệ của danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, và thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận vào năm 2010. Trước đây, tại đỉnh đèo Mã Pì Lèng chỉ xây dựng một chiếu nghỉ và có dựng một tấm bia ghi các thông tin về quá trình xây dựng con đường Hạnh Phúc dài hơn 200km nối các huyện vùng cao của Hà Giang.

Câu chuyện hùng tráng về sự gian khổ, hy sinh của con em đồng bào các dân tộc đã treo mình trên vách đá để đục đẽo làm đường qua Mã Pì Lèng chỉ cung cấp thông tin về lịch sử giao thông và quá trình kiến tạo vùng đất bằng sức người. Sau đó, vì cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vượt trội và nỗ lực kích cầu du lịch của tỉnh Hà Giang, Mã Pì Lèng trở thành điểm tham quan hút khách, chính quyền địa phương xây dựng ngay tại khu vực này lầu ngắm núi và các lan can an toàn.

Cho đến 2 năm gần đây, cùng với dịch vụ tự phát mọc lên, một người đã mua miếng đất sườn dốc đỉnh đèo, xây dựng khách sạn 7 tầng làm cơ sở lưu trú và đón khách du lịch. Hành vi tự phát, xây trước, chờ hợp thức hóa thủ tục sau này lập tức được dư luận lên án gay gắt vì cảnh quan hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng là danh thắng quốc gia, tài sản chung cần được gìn giữ, bảo vệ nguyên gốc. Việc quyết liệt lên tiếng khi danh thắng bị lạm dụng là quyền và ý thức bảo vệ di sản, tài sản chung về tài nguyên cảnh quan của cộng đồng.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang còn là vùng phên giậu của đất nước gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn rộng khoảng hơn 2.000km2, nơi cư trú của đồng bào 17 dân tộc thiểu số với hàng chục nghìn cư dân sống trong điều kiện cực kỳ khó khăn về địa hình, nguồn nước, đất canh tác và thiếu hụt trong quá trình tiếp cận với các loại hình văn hóa xã hội khác.

Việc phát triển kinh tế với các huyện vùng cao Hà Giang luôn là một thách thức, mức độ thách thức gấp nhiều lần các vùng đất khác trong tiến trình huy động tài nguyên sẵn có để làm du lịch. Trong khi đó, bài toán về bảo tồn cảnh quan và khai thác cảnh quan luôn không có câu trả lời thỏa đáng. Nói cách khác, đã chấp nhận mang cảnh quan ra để phát triển kinh tế địa phương, hẳn nhiên chấp nhận thực tế là cảnh quan sẽ không còn vẹn nguyên hình thức gốc.

Tuy nhiên, việc phá vỡ cảnh quan nguyên dạng để xây mới các công trình vừa thiếu thẩm mỹ, vừa coi thường pháp luật đã được khuyến cáo vẫn lặp lại mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đây được gọi là hành vi “vác dao tự chặt chân mình”, bởi lẽ đã phá vỡ cảnh quan để đón khách du lịch, nhưng khi cảnh quan đã bị làm hỏng, xâm hại thì có ai còn muốn đến ngắm cảnh quan nữa? Chưa kể, hành vi coi thường luật pháp quy định về thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nằm trong khu vực bảo vệ của Luật Di sản văn hóa. Khi công trình đã mọc lên rồi, việc xử lý như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan nguyên gốc, để lại những “di chứng” không đáng có và thể hiện trong tầm nhìn hạn hẹp, tắc trách về quản lý của địa phương.

Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có 10 giá trị nổi bật, trong đó, giá trị về diện mạo, cổ sinh vật học và kiến tạo địa chất là nổi bật hơn cả. Bản thân các giá trị này không chỉ độc nhất với Việt Nam, mà còn là giá trị độc nhất trên thế giới.

Trên thực tế, con đèo Mã Pì Lèng vốn trong tiềm thức chỉ là nơi ngắm cảnh. Chiếc lầu ngắm núi đỉnh đèo chỉ là chỗ dừng chân trong chốc lát vì ở 2 chân đèo cách nhau 30km thuộc 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc hiện nay đều đã trở thành khu dân cư sầm uất, thừa mứa dịch vụ du lịch.

Cách đây vài năm, việc xây dựng thủy điện Nho Quế cũng đã dấy lên một mối lo ngại từ dư luận về việc cảnh quan bị xâm hại, biến dạng và cái giá phải trả sẽ thiệt hại gấp nhiều lần chi phí bỏ ra để mua điện từ nguồn khác.

Vườn đá khổng lồ trên cao nguyên nên được đối xử đặc biệt, không theo cách thông thường và tránh triệt để thái độ hành vi tùy tiện phá hỏng cảnh quan trước khi tỉnh Hà Giang có thể thu hút đủ nguồn lực để quy hoạch chuẩn các khu du lịch phù hợp, tôn lên vẻ đẹp của cảnh quan, đồng thời sử dụng cảnh quan thiên nhiên để phát triển kinh tế.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-cach-ung-xu-co-tam-nhin-voi-di-san/