Cần cập nhật bảng giá đất mới của TP Hồ Chí Minh vào phương án bồi thường rạch Xuyên Tâm

Dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm trên địa bàn quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh tổ chức lấy ý kiến tại Hội nghị phản biện xã hội tổ chức sáng 27/9.

Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh. (ảnh: QUÝ HIỀN)

Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh. (ảnh: QUÝ HIỀN)

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đi qua địa bàn 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, trong đó, riêng quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng, được xem là dự án chỉnh trang đô thị có quy mô đền bù giải tỏa lớn nhất hiện nay trên địa bàn quận này.

Theo phương án bồi thường do Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh niêm yết công khai tại các địa phương nằm trong dự án, quy mô thu hồi đất để thực hiện dự án là 537.100m2, thuộc 7 phường: 2, 11, 12, 13, 15, 24, 26. Số trường hợp bị ảnh hưởng là 2.077; trong đó, giải tỏa một phần là 824 trường hợp, giải tỏa toàn phần chiếm 60% với 1.253 trường hợp.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho biết, do vận dụng quy định và chính sách bồi thường mới của Luật Đất đai 2024 nên chi phí đền bù sẽ tăng so với dự toán được thành phố phê duyệt. Dự kiến, kinh phí để bồi thường, tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng khoảng 13.000 tỷ đồng.

Sau khi phương án đền bù được thành phố thông qua, quận sẽ triển khai và công bố đến các hộ dân. Dự kiến tháng 12 quận chính thức áp giá đền bù cho tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng. Sau đó, tháng 4/2025 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho thành phố thi công xây dựng.

Tổ chức lấy ý kiến về chính sách bồi thường dự án rạch Xuyên Tâm tại Hội nghị phản biện xã hội, sáng 27/9. (ảnh: QUÝ HIỀN)

Tổ chức lấy ý kiến về chính sách bồi thường dự án rạch Xuyên Tâm tại Hội nghị phản biện xã hội, sáng 27/9. (ảnh: QUÝ HIỀN)

Góp ý tại Hội nghị, ông Phan Hữu Chính, Chủ tịch Hội Luật gia quận Bình Thạnh cho rằng: “Chính sách đền bù do quận xây dựng nhìn chung rất thuận lợi cho người bị thu hồi đất, kể cả phương án tái định cư, tạo lập chỗ ở mới cho người dân.

Tuy nhiên, với đặc thù các trường hợp bị giải tỏa phần lớn thuộc diện nhà đất có nguồn gốc không bảo đảm về pháp lý nên người dân mong muốn vận dụng chính sách tái định cư nhằm bố trí nơi ở mới, ổn định cuộc sống thuận lợi hơn cho người dân sau khi giao đất cho nhà nước”.

Một số ý kiến của chuyên gia, các hội cũng đề nghị quận Bình Thạnh cần xem xét tính phần trượt giá bồi thường vì thực tế từ khi công bố chính sách đền bù đến khi nhận tiền, bàn giao mặt bằng mất nhiều tháng, có khi cả năm. Do đó, để tạo sự thỏa đáng khi áp giá đền bù, tránh xảy ra khiếu nại thì yếu tố “trượt giá” nên đưa vào chính sách đền bù, tái định cư.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng dự thảo phương án đền bù của quận đang vận dụng bảng giá đất cũ trong khi vài tháng nữa thành phố áp dụng bảng giá đất mới (giá tăng gấp 5-7 lần so với bảng giá đất hiện hành) liệu có gây ra độ “vênh” về giá.

Những tình huống phát sinh này, cần được quận dự phòng, tính toán ra sao nhằm tránh gây yếu tố bất lợi khi đền bù cho người dân thuộc dự án. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh đã tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý qua đó hoàn thiện phương án đền bù sớm ban hành chính sách đền bù trên cơ của Luật Đất đai 2024.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), Ủy ban nhân dân thành phố vừa trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) thuộc quận Bình Thạnh, Gò Vấp.

Mức đầu tư điều chỉnh mới là 17.230 tỷ đồng; trong đó, phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 13.937 tỷ đồng (riêng quận Bình Thạnh là 13.222 tỷ đồng). Do áp dụng quy định mới của Luật Đất đai 2024 nên chi phí đền bù thay đổi so với kinh phí đầu tư phê duyệt trước đó.

Ngày 9/12/2022, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, sử dụng ngân sách thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư 9.664 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 6.372 tỷ đồng, 2.710 tỷ đồng chi phí xây dựng.

Công trình Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), đi qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp là công trình trọng điểm của thành phố. Dự án có khoảng 2.150 trường hợp bị ảnh hưởng, phải thu hồi đất. Toàn dự án có chiều dài 9km, mục đích nhằm giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập, giải quyết ô nhiễm và chỉnh trang bộ mặt đô thị.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-cap-nhat-bang-gia-dat-moi-cua-tp-ho-chi-minh-vao-phuong-an-boi-thuong-rach-xuyen-tam-post833500.html