Cần cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn

Tại phiên họp tổ Quốc hội sáng 23/11, ĐBQH cho hay, cần những quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.

Phát biểu thảo luận ở phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 23/11 về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên tán thành với nhiều ý kiến trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như báo cáo tiếp thu, giải trình ngày 25/10 của Chính phủ về một số vấn đề đối với hồ sơ dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 23/11 - Ảnh: Q.N

Phiên họp tổ của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 23/11 - Ảnh: Q.N

Theo đại biểu, đây là một dự án luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và kiểm soát rủi ro phát sinh trong thực tiễn khi triển khai hoạt động này.

Tuy nhiên, để dự án Luật có tính khả thi cao, đại biểu nhận thấy cần phải làm rõ một số nội dung sau: Thứ nhất, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc quy định công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế riêng đã thật phù hợp với phân chia các ngành kinh tế, khoa học và công nghệ theo thông lệ của quốc tế?

Ngay như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành dự án Luật này vì đã có Luật công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao năm 2008. Vì công nghệ số có ở khắp các ngành kinh tế - kỹ thuật từ viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu, điện tử bán dẫn, tự động hóa…

Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật thì công nghệ số được hiểu là bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới. Như vậy, có thể hiểu Luật này sẽ điều chỉnh các lĩnh vực thuộc ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao và các ngành khoa học công nghệ có hàm lượng đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng số vốn đã có luật ban hành.

Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số… nên không thể gom hết những gì thuộc công nghệ số thành một ngành công nghiệp riêng. Hơn nữa, Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn chỉ ra là “trong bối cảnh hiện nay chưa thấy quốc gia nào trên thế giới quy định ở tầm luật đối với lĩnh vực này”. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc làm rõ nội dung này.

Thứ hai, vừa qua Quốc hội đã thông qua một số luật như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... và hiện nay đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như Luật Dữ liệu... cũng có nhiều nội hàm của công nghệ số cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống luật pháp.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội - Ảnh: Q.N

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội - Ảnh: Q.N

Thứ ba, một số nội dung lần đầu được quy định ở văn bản luật như tài sản số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các quy định về nguồn nhân lực công nghệ số, khung năng lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, ... cần được nghiên cứu, làm rõ hơn trong quá trình xây dựng Luật để có tính khả thi cao và gắn với thực tiễn của tình hình cụ thể của nước ta.

Một số khái niệm như: công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, hội tụ công nghệ số, khu công nghệ sốcần làm rõ hơn cả về định tính và định lượng để có thể xem xét, quyết định áp dụng các chính sách về ưu đãi thuế, đất đai…

Thứ tư, về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, đại biểu nhận thấy một số nội dung như: Nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, chuẩn hóa, dữ liệu số là cốt lõi, nhưng quy định còn khá chung chung, chưa có sự đột phá mạnh mẽ, chưa rõ đối tượng áp dụng nên khó triển khai trong thực tiễn, cần phải được làm rõ, sâu sắc hơn, cụ thể hơn, nhất là những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi.

Những ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số có thể sẽ mâu thuẫn với các Luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… hiện hành nên cần nghiên cứu và có hướng giải quyết.

Đại biểu thống nhất với sự cần thiết quy định về tài sản số trong Luật, tuy nhiên, đây là vấn đề rất mới, rất phức tạp nên cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để xây dựng khung chính sách quản lý tài sản số phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan.

Cuối cùng, đại biểu đồng tình việc cần thiết và cơ bản nhất trí nội dung quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong dự thảo Luật, nhất là trong lĩnh vực công nghệ tài chính theo hướng khuyến khích, tạo động lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong xu thế phát triển vượt trội, như vũ bão của khoa học, công nghệ, có rất nhiều phát minh tưởng chừng như “viễn tưởng” lại có thể trở thành hiện thực. Do đó, rất cần những quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để sớm đưa thành quả nghiên cứu vào thực tiễn và để thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh cho sự cần thiết, hiệu quả của những phát minh, sáng chế đó.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-de-som-dua-thanh-qua-nghien-cuu-vao-thuc-tien-360463.html