Cần có tiêu chí cụ thể về thăng hàm cấp Tướng trước thời hạn

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần có quy định tiêu chuẩn, tiêu chí về thăng hàm cấp Tướng trước thời hạn.

Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Đại tá Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng: "Nội dung sửa đổi lần này còn dựa trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Công an nhân dân năm 2018 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: Hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 và thực tiễn thi hành nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Đặc biệt, chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập; quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân chưa phù hợp với cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trong Công an nhân dân".

Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thảo luật tại tổ chiều 27/5

Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thảo luật tại tổ chiều 27/5

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Đại tá Lê Nhật Thành cho biết: Theo quy định của Luật Cư trú và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Công tác tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú là một trong những nội dung của công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Bộ Công an là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, như: tổ chức xác minh, cấp giấy tờ đi lại, thực hiện tiếp nhận công dân khi nước ngoài trao trả… Do đó, nếu giao cho Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán ký kết, Bộ Công an tổ chức thực hiện sẽ thiếu tính thống nhất và không bám sát được thực tiễn.

Đại biểu này đề nghị nên điều chỉnh lại, theo hướng chỉ giao một Bộ chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú. Trong đó đại biểu cũng đề xuất giao cho Bộ Công an thực hiện nội dung này.

Liên quan đến quy định đề xuất hàm đại tướng cho sĩ quan công an biệt phái làm Phó chủ tịch Quốc hội, đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị nên xem xét lại vấn đề này.

Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất và động bộ giữa các luật

Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất và động bộ giữa các luật

Tôi thấy có những sỹ quan được biệt phái công tác tại các cơ quan Đảng hay Chính phủ, vậy trong trường này có được áp dụng hưởng hàm không? Đề nghị cần nghiên cứu và làm rõ nội dung này để đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Công an nhân dân và Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam”- đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu Chá A Của – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, tại khoản 3 Điều 1 của dự thảo luật có quy định về việc sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 25 của Luật Công an nhân dân hiện hành như sau: “Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Số lượng không quá 11.”

Đại biểu cho rằng, hiện chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xác định đâu là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, nên cần bỏ cụm từ “địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự” trong nội dung này. Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng chưa có con số định lượng cụ thể để đánh giá địa bàn, địa phương nào là diện tích rộng, dân số đông, nên quy định này còn chung chung, chưa cụ thể.

Đối với việc sửa đổi Điều 30 trong Luật Công an nhân dân hiện hành về hạn tuổi phục vụ của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân, đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp đặc biệt sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều này có thể được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền”. Tuy nhiên, chưa rõ cấp có thẩm quyền ở đây là Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ hay cơ quan nào khác. Đại biểu đề nghị làm rõ và quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính rõ ràng, khả thi khi áp dụng pháp luật.

Chia sẻ quan điểm tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, dự thảo Luật sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 25 của Luật hiện hành theo hướng: Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng mỗi đơn vị không quá 03. Đại biểu đề nghị tăng lên không quá 4, do TP. Hà Nội, TP. HCM là địa bàn đặc biệt quan trọng, dân số đông, tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, dễ phát sinh các nguy cơ, cần có sự đảm bảo an ninh đặc biệt.

Thu Hường - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-co-tieu-chi-cu-the-ve-thang-ham-cap-tuong-truoc-thoi-han-255837.html