Cần giải pháp mạnh hơn xử lý nợ xấu

Theo báo cáo của khối NHTMCP tư nhân, đến cuối tháng 6/2024 nợ xấu nội bảng là 633 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, chiếm 79,65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD; tỷ lệ nợ xấu 7,77%.

Thu hồi nợ ngày càng khó khăn

Những con số trên vẫn chưa phản ánh đúng thực tế bức tranh nợ xấu của các nhà băng do không ít khoản nợ hiện đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN về bản chất đã có thể chuyển thành nợ xấu. Chưa kể số nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian tới do tác động của bão số 3 nhiều khách hàng bị mất trắng tài sản...

Nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cấp tập phải rao bán các loại tài sản thế chấp từ nhà, đất, ô tô, máy móc… để thu hồi nợ. Song công tác xử lý nợ xấu lại đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ xử lý chậm.

Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ chia sẻ, hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Nghị quyết 42 của Quốc hội đã hết hiệu lực và Luật Các TCTD 2024 không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD. Do đó, kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 2015 các TCTD không thể thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm. Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài. Chậm xử lý nợ xấu không chỉ khiến các ngân hàng bị “chôn” vốn, trong khi vẫn phải trả lãi tiền gửi cho người gửi tiền; đồng thời còn khiến chi phí dự phòng rủi ro tăng, khiến các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng lo ngại trên, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú bày tỏ lo ngại, Nghị quyết 42 đã không còn hiệu lực nên hiện không có văn bản pháp quy nào hỗ trợ việc thu hồi nợ nhanh chóng, dứt điểm và đúng pháp luật. Do đó khiến cho chính những người làm công tác thu hồi nợ có khả năng vi phạm vào những quy định của pháp luật và dễ bị xử lý hình sự.

Có thể thấy Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã tạo khoảng trống pháp lý, dẫn tới thiếu cơ chế cho phép TCTD thu giữ tài sản bảo đảm. Các địa phương và cơ quan công an cũng không có cơ sở pháp lý hỗ trợ quyết liệt việc xử lý tài sản bảo đảm như trước đây. Không ít khách hàng doanh nghiệp, cá nhân không hợp tác với các TCTD trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ.

Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho TCTD có tỷ lệ cho vay bán lẻ tỷ trọng cao phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.

Đừng để “cục máu đông” nợ xấu cản trở dòng chảy vốn

Theo các chuyên gia, nếu không đẩy nhanh tiến độ nợ xấu dồn tích sẽ trở thành “cục máu đông”, cản trở dòng vốn tín dụng lưu thông trong nền kinh tế. Các ngân hàng cũng sẽ siết chặt hơn quy định cho vay để ngăn ngừa nợ xấu. Lãi suất cũng khó giảm do các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro… Điều này ảnh hưởng đến cơ hội vay vốn lãi suất tốt của doanh nghiệp.

Trước thực tế khó khăn trên, lãnh đạo VIB đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định chấp nhận việc các TCTD được quyền thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp có quy định đầy đủ 3 nội dung. Đó là quy định một trong những phương thức xử lý tài sản bảo đảm là tổ chức tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm; tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, và quy định về trình tự thủ tục để TCTD thu giữ tài sản bảo đảm.

Khi quyền hợp pháp của chủ nợ được bảo vệ đầy đủ, trong đó có quyền của các TCTD được thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời chi phí tín dụng của người vay được tiết giảm, khách hàng tốt không bị ảnh hưởng lây bởi các khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm. Ngoài ra, các TCTD sẽ mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh cho vay và áp dụng mức lãi suất phù hợp hơn khi rủi ro liên quan đến quyền của chủ nợ đã được giảm bớt”, ông Đặng Khắc Vỹ phân tích thêm.

Chung quan điểm, Tổng giám đốc OCB Phạm Hồng Hải kiến nghị Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự như Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Ngoài ra, OCB mong muốn có một hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu. Hiện nay, quy định này được thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản.

Lãnh đạo TPBank đề xuất sớm bổ sung các quy định pháp luật để người đi vay phải chịu trách nhiệm cao hơn với khoản vay của mình. Đồng thời cần tháo gỡ vướng mắc về xử lý tài sản đảm bảo, khắc phục tình trạng giải quyết thủ tục tố tụng kéo dài, khiến ngân hàng gặp khó khăn; có hướng dẫn chi tiết hơn về việc khởi kiện đối với việc cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm qua App.

Để giảm thiểu những tranh chấp khi xử lý tài sản bảo đảm, lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ mong muốn được có thêm những hướng dẫn chi tiết trong việc nhận thế chấp. Cụ thể như liên quan đến đất sản xuất kinh doanh (trả tiền thuê đất hàng năm) đặc biệt trong khu công nghiệp hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Đất đai 2024 chỉ quy định quyền chuyển nhượng, đối với quyền thế chấp thì chỉ được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và không quy định về thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Việc này gây ảnh hưởng và hạn chế các TCTD trong xác định giá trị đất thuê hàng năm trong khu công nghiệp, tùy thuộc vào sự hợp tác của chủ đầu tư do liên quan đến rủi ro pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm.

“Cần hỗ trợ về mặt pháp lý để các công ty bất động sản có thể triển khai dự án, tạo dòng tiền, tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội và có dòng tiền trả nợ cho ngân hàng. Cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan Thi hành án hỗ trợ thu hồi nợ, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, ưu tiên giải quyết cho các TCTD để thu hồi, bảo đảm an toàn tín dụng cho ngân hàng, có dòng tiền để tái sản xuất, tài trợ cho hoạt động chung”, một lãnh đạo ngân hàng đề xuất thêm giải pháp để khơi thông dòng chảy vốn.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-giai-phap-manh-hon-xu-ly-no-xau-156044.html