Cần nghiên cứu quy định hạn chế rủi ro từ AI
Đây là nhận định đáng chú ý trong báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KHCH&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vào ngày 23/11.
Được biết, Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp công nghệ thông tin; thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ…; đồng bộ với các dự thảo luật có liên quan đang trong quá trình soạn thảo (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Dữ liệu…) và sửa đổi bổ sung một số nội dung trong các Luật (Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu…) để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.
Dự luật được đánh giá là đã khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin theo pháp luật hiện hành. Dự án luật cũng đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số đặc biệt ưu đãi đầu tư; và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trước Quốc hội cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển.
Tại dự thảo mới nhất, các nội dung về trí tuệ nhân tạo AI đã được cơ quan soạn thảo bổ sung. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Bên cạnh đó, luật cũng dự thảo nguyên tắc quản lý và phát triển AI. AI phục vụ sự thịnh vượng, hạnh phúc con người phải bảo đảm minh bạch và giải thích được; có trách nhiệm giải trình, công bằng, hông phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư. Tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.
Ủy ban KHCN&MT nhìn nhận, việc quy định như Dự thảo Luật về cơ bản là hợp lý. Nhưng đã có những ý kiến góp ý rằng cần nghiên cứu toàn diện cả những vấn đề về sở hữu và các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu… để xây dựng một đạo luật riêng về trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam.
Đồng thời, Ủy ban KHCN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan Nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ để khuyến khích sử dụng và tạo thị trường...
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-nghien-cuu-quy-dinh-han-che-rui-ro-tu-ai-158072.html