Cần quy chuẩn cho đầu tư trạm sạc xe điện

Tháng 8/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 58 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về xe điện và hệ thống liên quan. Tuy nhiên, lại chưa có quy chuẩn cụ thể về trụ, trạm sạc, khiến các doanh nghiệp không có căn cứ để thực hiện, mạnh ai người ấy làm.

Chủ trương có, nhu cầu sử dụng xe năng lượng sạch của người dân cũng có, nhưng rào cản là thiếu điều kiện cho xe năng lượng phát triển, đặc biệt ở hai vấn đề là: hạ tầng và pháp lý.

Với các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, hạ tầng vẫn luôn là bài toán khó. Tuy nhiên, muốn phát triển thị trường xe điện cần phải có một hạ tầng trạm sạc đảm bảo năng lực đáp ứng, vậy quỹ đất dành cho việc xây dựng hệ thống này cũng cần phải tính toán.

Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: "Trong tổng thể quy hoạch đô thị thì quỹ đất luôn luôn thiếu hụt so với nhu cầu. Xe điện là loại phương tiện giao thông công nghệ cao và trong nhiệm vụ quy hoạch chưa có nhu cầu nào được đưa ra cả, chứ chưa nói đến nhiệm vụ của trạm sạc, bến đỗ xe điện và các làn đường ưu tiên. Do đó, mạnh dạn nhất là nhờ sự đầu tư của tư nhân, chính cơ chế thị trường sẽ biến trạm sạc trở thành nhu cầu hấp dẫn như một ngạch kinh doanh vậy".

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, vướng mắc lớn nhất với các doanh nghiệp khai thác, vận hành xe điện, trạm sạc điện hiện nay là khung pháp lý.

Tháng 8/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 58 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về xe điện và hệ thống liên quan. Tuy nhiên, lại chưa có quy chuẩn cụ thể về trụ, trạm sạc, khiến các doanh nghiệp không có căn cứ để thực hiện, mạnh ai người ấy làm.

Anh Phạm Đình Kha, PGĐ kinh doanh - Công ty Trạm sạc xe điện EVSE Việt Nam cho biết: "Khi chưa có quy chế cụ thể, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các giải pháp trạm sạc, tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng cung cấp các trạm sạc đáp ứng những tiêu chuẩn chung của những nhà cung cấp xe tại Việt Nam".

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Giảng viên chuyên ngành Cơ khí ô tô - Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng: "Chúng ta không có đầy đủ những quy chuẩn pháp lý. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng hoặc là thiếu hụt hoặc là một số tiêu chí đặt ra không thể đáp ứng được. Ví dụ khi trạm điện đã được xây xong, về sau lại phát sinh ra những quy chế mà họ không đáp ứng được thì như vậy các trạm sạc đó sẽ phải đóng lại. Điều đó gây ra những sự lãng phí, tổn thất không đáng có. Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý phải xem xét ban hành những quy chuẩn. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể dựa vào để tiến hành xây dựng những trạm sạc xe điện như thế nào cho hợp lý".

Từ việc thiếu quy tắc đồng bộ, nguy cơ mất an toàn PCCC với nguồn điện sạc cũng được đặt ra. Thực tế hiện nay điều kiện chuẩn về an toàn PCCC cho trạm sạc xe điện cũng chưa được quy định. Cục PCCC&CNCH mới chỉ đưa ra giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan nhằm đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, việc thực hiện mua bán điện trạm sạc cũng chưa được luật hóa dẫn đến nhiều lúng túng cho doanh nghiệp, nhà nhà đầu tư; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Hiện các doanh nghiệp vẫn đang áp dụng mức thu phí theo chính sách riêng. VinFast áp dụng đơn giá 4.012 đồng/kWh (mới tăng 4,8% theo giá điện EVN) tại các trạm sạc nhanh công cộng. Với các doanh nghiệp khai thác trạm sạc xe điện, đơn giá sạc nhanh mới được áp dụng sau khi tăng 4,8% sẽ là 10.375 đồng/kWh.

Cùng với lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh theo cam kết của Việt Nam tại COP26 và Quyết định số 876/QĐ - TTg ngày 2/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến số lượng xe điện tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng trưởng trong tương lai.

Riêng với Hà Nội, Thành phố chủ trương phân vùng phát thải thấp, tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng xe năng lượng sạch, bởi vậy, thế khó trong việc đáp ứng hạ tầng trạm sạc cần phải nhanh chóng được giải quyết.

Diệu Phú

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/can-quy-chuan-cho-dau-tu-tram-sac-xe-dien-286297.htm